Ý thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng hiệu quả vẫn không được như kỳ vọng. Tình trạng “trống” kiến thức pháp luật-trong đó có không ít học sinh, sinh viên, dẫn đến "nhờn luật” vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Ảnh minh họa. TTXVN.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội, nhất là đối với học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Theo đó, bảo đảm từ nay đến năm 2021, 100% các trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Tuyên truyền, giảng dạy pháp luật hiệu quả sẽ góp phần tạo dựng nền tảng văn hóa pháp lý cho xã hội, để mọi người dân đều mang trong mình ý thức tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường đạt hiệu quả thì các trường học cần phải nhận thức đầy đủ hơn nữa tầm quan trọng của môn học đạo đức, giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong các cấp học. Các trường cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thiết thực, một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã được cung cấp, các thầy giáo, cô giáo hay các báo cáo viên cũng cần phải biên soạn giáo án cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, đặc điểm tâm, sinh lý, sở thích, nhu cầu của tuổi trẻ, tính chất công việc của từng đối tượng, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới xa xôi. Việc “luật hóa” các câu chuyện khi giảng dạy kiến thức pháp luật cũng sẽ giúp tăng hiệu quả trong tiếp nhận... Mặt khác, việc các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng luật một cách đúng đắn và nghiêm minh cũng sẽ là tấm gương phản chiếu tốt để người dân soi chiếu, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
HOÀNG GIA MINH
Nguồn: Báo Mới
Ảnh bìa nguồn internet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn