Giới thiệu sách "Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc" của nhóm tác giả Kim Seong Beom, Kim Sang Ho và Đào Vũ Vũ. Đây là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu một cách toàn diện về tư tưởng Hàn Quốc từ khởi thuỷ cho đến cuối thời kì Cận đại. Sách do Nxb Khoa học Xã hội ấn hành năm 2011, dày 1184 trang. Dị bang hợp chí diệc đồng phương; Học thuật bản tòng Tiên Tố Vương. Hoàn phúc cộng hân ca ngũ thiện; Dật tài thiên quý phạp tam trường. Trắc li, Bạch truỵ giao đầu tặng; Đoan uỷ, Hồng trù mịch biểu chương. Tín bút thư hoàng chung khiểm khiểm; Xán hoa thanh luận quá du dương. (Khác bang nhưng hợp chí, cũng cùng một hướng; Học thuật vốn cùng theo Tiên Tố Vương. Cùng vui với cái phúc được trọn vẹn, ca lên bài ca ngũ thiện; Riêng thẹn cho mình đem khoe tài năng mà lại không đủ tam trường. Giấy Trắc li và giấy Bạch truỵ trao tặng lẫn nhau; Phép Đoan uỷ và phép Hồng trù tìm thấy ở biểu chương. Thả sức viết văn sửa chữ, thật uyển chuyển, Miệng tươi như hoa luận bàn, rõ ràng lại quá đề cao.) (Nguyễn Minh Tuân dịch) Bài “Tống Triều Tiên quốc sứ” (Tiễn sứ thần nước Triều Tiên) này của Lê Quý Đôn được viết khi ông từ biệt sứ thần Triều Tiên là Hồng Khải Hi, Triệu Vinh Tiến và Lí Huy Trung tại Yên Kinh (Bắc Kinh), Trung Quốc năm 1761. Đây chỉ là một trong rất nhiều bài thơ xướng hoạ giữa hai bên, song nó đủ sức gợi lên tình cảm da diết của những người tri kỉ, sự hiểu biết, mối quan hoài cũng như tình hữu nghị của hai đoàn sứ bộ đại diện cho hai nước Việt Nam – Triều Tiên. Tình cảm này đâu phải ngày một ngày hai, mà là có những nền móng, những tiếp xúc văn hoá giữa hai nước từ trước đó. Ngay từ năm 1597, cuộc gặp sớm nhất giữa Phùng Khắc Khoan - sứ thần Việt Nam và Lí Tuý Quang - sứ thần Triều Tiên cũng đã diễn ra trên đất khách quê người. Kiến văn tiểu lục còn ghi chép lại, chính Lí Tuý Quang đã viết Tự cho tập thơ của Phùng Công (tức Phùng Khắc Khoan). Còn trước đó, năm 1226, sự kiện Lí Long Tường là Hoàng tử con thứ của vua Lí Anh Tông đem đồ thờ của tổ tông cùng thuộc hạ vượt biển đến huyện Ung Tân, Cao Li thường được nhắc đến như sự mở đầu cho quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử.
Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc vốn có uyên nguyên sâu xa, đặc biệt trong những năm gần đây, cùng với quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng mở rộng, mối giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc lại càng có điều kiện phát triển thêm. Nhu cầu hiểu biết văn hoá của nhau, nhất là hiểu biết, lĩnh hội về tầng sâu của văn hoá là tư tưởng, giá trị, lối sống ngày càng trở nên cần hơn bao giờ hết. Các tác giả Kim Seong Beom, Kim Sang Ho và Đào Vũ Vũ biên soạn cuốn Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc chính là góp phần đáp ứng nhu cầu thiết thực đó, là một cây cầu nối đáng quý để người Việt Nam có thể hiểu biết, chia sẻ về lịch sử, văn hoá, con người Hàn Quốc nói chung cũng như những tâm tư, tình cảm, lối suy tư của người Hàn Quốc nói riêng. Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc là một tài liệu khảo cứu công phu, đề cập đến tư tưởng Hàn Quốc trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời kì nguyên thuỷ cho đến lúc tiếp xúc với tư tưởng hiện đại, với những tư tưởng được rút ra từ các công cụ sản xuất của các thời kì đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, từ các nội dung thể hiện trong các thần thoại, các chuyện cổ tích, và nhất là từ trong các trào lưu tư tưởng có nguồn gốc từ bên ngoài, v.v.. Các tác giả đã vẽ nên một bức tranh tổng quát về tư tưởng của Hàn Quốc từ khởi thuỷ cho đến khi kết thúc tư tưởng truyền thống. Những tư tưởng trọng yếu đều được phân tích khá kĩ và tương đối sâu. Để tạo tiền đề cho việc hiểu rõ nét hơn về các tư tưởng, các tác giả đã bỏ công mô tả bối cảnh lịch sử, mô tả thời đại rất cụ thể và chi tiết. Những yếu tố lịch sử được chọn tương đối đắt và mang tính điển hình; do đó, giúp người đọc không chỉ dễ dàng hiểu được nội dung và tính hợp lí của những tư tưởng Hàn Quốc. Cuốn sách cung cấp cho người đọc những nội dung phong phú và có hệ thống về hai trào lưu tư tưởng cơ bản của Hàn Quốc có nguồn gốc từ phương Đông (Trung Quốc) là Phật giáo và Nho giáo. Qua sự trình bày của các tác giả, người đọc thấy được việc du nhập Phật giáo, Nho giáo từ Trung Quốc vào Hàn Quốc tuy có khác nhau trong mỗi thời kì, mỗi hoàn cảnh lịch sử, nhưng đó là một quá trình diễn ra tất yếu, bởi giao lưu tư tưởng là một hiện tượng phổ biến đối với các quốc gia ở gần nhau lại có trình độ phát triển xã hội hầu như tương đương nhau, như Hàn Quốc và Trung Quốc. Các tác giả có ý thức làm sáng tỏ những đặc thù, những giá trị của tư tưởng Hàn Quốc, nêu được những đóng góp của Hàn Quốc đối với hệ thống tư tưởng của khu vực Á Đông. Ở hai học thuyết Phật và Nho, sự trình bày về các nhà tư tưởng không phải chỉ giới hạn ở việc họ truyền bá và vận dụng những điều sẵn có trong các tác phẩm kinh điển, mà còn nêu lên được những đóng góp mới của họ, nêu lên được những giá trị của họ đối với sự phát triển của tư tưởng phương Đông. Điều này có thể thấy trong các trang viết về nhà sư Won-hyo (617-686), hoặc giới thiệu về nhà sư Ji-nul (1158-1210), v.v.. Nhà sư Won-hyo không những viết nhiều tác phẩm về Phật giáo mà còn có ý thức rõ rệt trong việc hướng Phật giáo vào sự nghiệp “hộ quốc”, vào đời sống hiện thực của nhân dân, không những am hiểu giới luật mà còn trong sinh hoạt đã dũng cảm vượt ra khỏi những giới luật gò bó, nghiệt ngã. Nhà thiền học Ji-nul không những là ông tổ của Thiền học Hải Đông mà còn là người có tác phẩm có giá trị vượt thời gian, như tác phẩm “Chân tâm trực thuyết”. Đó là một tác phẩm không những nổi tiếng với đương thời, mà còn tạo được sự hứng thú cho người thời nay, khiến Đài Loan phải dịch ra văn bạch thoại và Nhật Bản phải dịch thành Nhật văn. Về lĩnh vực Nho giáo, các tác giả có ý thức tập trung trình bày những đặc trưng của Nho giáo Hàn Quốc trong lịch sử, nêu lên các cuộc tranh luận về “tứ đoan - thất tình”, “Nhân tâm - đạo tâm”, “Nhân tính - vật tính”, v.v.. Các tác giả đã trình bày nội dung của những cuộc tranh luận ấy một cách rõ ràng, cụ thể, có khởi đầu, diễn biến và kết thúc, có lí lẽ và dẫn chứng kèm theo. Qua đây, người đọc có thể nhận thấy sắc thái riêng của Nho học Hàn Quốc trong lịch sử. Nhìn chung, các tác giả đã nêu được quá trình hình thành, phát triển và biến đổi của tư tưởng Hàn Quốc trong lịch sử, nêu được đặc trưng của dòng tư tưởng này, cũng như sự đóng góp của nó đối với sự phát triển của tư tưởng phương Đông. Cuốn sách Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với những ai muốn tìm hiểu về tư tưởng, con người và xã hội Hàn Quốc từ nguyên thuỷ cho đến ngày nay.
Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2011 Viện Triết học Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Chân dung Yulgok Lee Yi - một trong Triều Tiên nhị đại danh nho
Nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Dan-nhap-lich-su-tu-tuong-Han-Quoc-1-5727.aspx
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn