Theo các nhà nghiên cứu thì thực tế “không có một tộc gọi là Chăm riêng biệt ngay từ đầu mà chỉ là một bộ phận dân cư nói tiếng Malayo – Polyesian… sống ở ven biển miền Trung Việt Nam ngày nay, được gọi là Chăm là do gắn với Chămpa, từ khi họ thành lập Vương quốc Chămpa”.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là: Vương quốc Chămpa bắt nguồn từ đâu, chủ nhân thực sự của nó là ai?
Cho đến nay, các nhà khảo cổ, văn hoá học đều tạm xác nhận: Văn hoá Chămpa là sự phát triển kế tục của văn hoá Sa Huỳnh và cư dân Chămpa chính là hậu duệ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.
Văn hoá Sa Huỳnh có niên đại cuối thời kì đồ đồng và sơ kì đồ sắt, cách ngày nay khoảng 4000 năm (muộn nhất là khoảng TK I - II SCN).
Trong tính diễn tiến liên tục của các nền văn hóa, người ta thấy có sự nối tiếp, kế thừa hoa văn gốm của các di chỉ văn hoá Bình Châu, Long Thạnh (thuộc Quảng Ngãi), tạm gọi là Tiền Sa Huỳnh, có nhiều điểm tương đồng với Inđonêxia và xa hơn là Poliexia nói tiếng Mã Lai – Polynesian (Nam Đảo với nhiều yếu tố Nam Á). Như thế tức là văn hoá Sa Huỳnh - nền văn hoá sắt sớm mang dấu ấn của văn hoá biển hải đảo.
Các di chỉ thuộc văn hoá Sa Huỳnh với sự phong phú về chủng loại và số lượng các hiện vật cho thấy sự phát triện của sức sản xuất và có thể trong xã hội đã có sự phân chia kẻ giàu, người nghèo. Đây là cơ sở cho phép nghĩ rằng ở giai đoạn cuối của văn hoá Sa Huỳnh đã có đủ điều kiện cho sự hình thành một nhà nước sơ khai.
Bằng phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic; người ta nhận thấy có sự trùng hợp về địa bàn phân bố, niên đại kết thúc văn hoá Sa Huỳnh và niên đại mở đầu nhà nước Chămpa, cũng như sự nối tiếp của một số loại hình hiện vật (gốm, trang sức, đồ tuỳ táng và cách tuỳ táng) từ văn hoá Sa Huỳnh đến văn minh Chămpa. Quan trọng hơn, trong cuộc khai quật khảo cổ học ở di chỉ Lung Leng (Yaly - Ken Tum) - địa bàn của cư dân Môn Khmer (Môn Cổ) cho thấy có xuất hiện những yếu tố văn hoá Sa Huỳnh ở các mộ vò và đồ trang sức, trùm lên trên, muộn hơn. “Số lượng công cụ đá mài lớp mộ vò cho thấy sự xuất hiện hơi đột ngột từ biển vào (cư dân Nam Đảo – TG chú)”.
Sử liệu chữ viết về vương quốc Chămpa có niên đại sớm nhất là tấm bia Võ Cạnh (Nha Trang) được xác định niên đại thế kỷ III.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn