Người Việt với biển

Thứ năm - 03/03/2016 00:00
Người Việt với biển
Người Việt với biển

GS.NGND Vũ Dương Ninh giới thiệu sách "Người Việt với biển" do PGS.TS Nguyễn Văn Kim chủ biên, Nxb Thế giới, 2011. Từ bao đời nay, loài người đã và đang sống trên Hành tinh Xanh với bạt ngàn màu xanh của núi rừng, màu xanh của đồng ruộng và màu xanh của biển cả mênh mông. Trái đất đan xen giữa lục địa và đại dương hình thành một môi trường sinh thái cho con người với những êm ả, thanh bình nhưng đồng thời cũng có nhiều bão giông, thách thức khắc nghiệt. Trong điều kiện tự nhiên đó, trải qua bao thế hệ, con người đã thích nghi và khắc phục, tận dụng thuận lợi, vượt lên thử thách để tồn tại, để phát triển và tạo dựng cuộc sống đa dạng, phong phú nhưng cũng có biết bao biến động. Nước Việt và người Việt, từ thuở ban đầu đã hội tụ và sinh trưởng trong một môi trường như thế với núi rừng, đồng bằng và biển cả. Quá trình dựng xây đất nước, bảo vệ non sông, mở mang bờ cõi của các bậc tiền bối đã trao lại cho thế hệ tiếp nối một nước Việt Nam hình chữ S hôm nay. Tổ quốc Việt Nam nằm trên một vị trí đắc địa với “toạ độ không gian ba chiều” lí tưởng. Nhìn về địa lí tự nhiên, về văn hoá và lịch sử, về vị thế chiến lược thì nước Việt Nam vừa là một quốc gia Đông Nam Á, vừa là một quốc gia Đông Á, lại nằm trên giải phía Tây của vành đai Thái Bình Dương. Do vậy, đã hình thành một môi trường văn hoá có cội nguồn từ các thung lũng, châu thổ canh tác lúa nước, tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa từ Đông Bắc cùng văn minh Ấn Độ từ Đông Nam, lại mở cánh cửa ra Biển Đông đón nhận trào lưu văn minh từ phương Tây tràn tới. 
Vị trí không gian ba chiều ấy, một cách tự nhiên, đã sớm hình thành trong con người Việt Nam một tâm thức hoà hợp giữa lục địa và đại dương, giữa đất liền và biển cả, mở đầu bằng truyền thuyết bất hủ Lạc Long Quân - Âu Cơ đưa 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, đắp xây non sông gấm vóc cho Tổ quốc Việt Nam. Thế hệ nối tiếp thế hệ, các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đã khai phá đất đai, chinh phục biển cả, xác lập chủ quyền, mở rộng giao thương, viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông để lại. Cùng với quá trình “mở nước” về phương Nam là những hành trình giương buồm ra khơi làm chủ nhiều quần đảo, nhiều vùng biển. Cánh cửa ngoại thương rộng mở với nhiều cảng biển, cảng thị đón nhận thuyền buôn các nước láng giềng, tiếp xúc với thương nhân và giáo sĩ nhiều nước Âu Tây. Đến thời hiện đại, trong công cuộc kháng chiến cứu nước đầy gian khổ, cùng với con đường Hồ Chí Minh trên bộ theo dọc Trường Sơn là tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những “con tàu không số” vượt sóng Biển Đông đến với chiến trường. Và trong công cuộc dựng xây hôm nay, kinh tế biển chiếm một vị trí hết sức quan trong trong nền kinh tế đất nước. Dầu mỏ được khai thác, hải sản được xuất khẩu, các khu công nghiệp được hình thành, du lịch biển được mở rộng…, tất cả làm nên mũi đột phá hội nhập cùng thế giới. Những di sản văn hoá, những con đường huyền thoại cùng những thành tựu kinh tế một lần nữa minh chứng tâm thức của người Việt luôn gắn kết đất liền và biển cả, một bản sắc vĩnh hằng khởi nguồn từ xa xưa, từ hàng ngàn năm lịch sử cho đến hôm nay và mãi mãi về sau. Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, tác phẩm Người Việt với biển đã tập trung khai thác và lí giải mối quan hệ giữa đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam với thế giới bên ngoài qua con đường biển. Cơ tầng văn hoá biển được đắp xây từ những huyền thoại về thời lập quốc, những tín niệm tâm linh cho tới những câu chuyện dân gian đời thường cùng những ghi chép được tích luỹ qua nhiều thời đại đã dần dần tạo nên ý thức về biển ngày một rộng lớn, sâu sắc. Các công trình khảo cổ học đã phát hiện từ lòng đất những di vật thời tiền - sơ sử của các vùng ven biển, các biển đảo dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc đến Nam, toả rộng ra Biển Đông. Quan hệ giao thương là mặt nổi trội, khá liên tục và có hiệu quả trong hoạt động biển của đất nước. Mối quan hệ thương mại sớm hình thành và phát triển giữa quốc gia Đại Việt với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á cho đến sự giao tiếp với các Công ti Đông Ấn phương Tây, qua từng thời kì đã làm khởi sắc nền kinh tế đất nước. Còn đó nhiều vết tích của những thương cảng một thời sôi động như Vân Đồn, Hội An, Thị Nại - Nước Mặn… và cả các cảng đảo như Côn Lôn, Phú Quốc… Nhiều dấu tích khách thương đến từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm La, Chà Và hoặc đến từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh… vẫn còn ghi lại dấu ấn qua những hồ sơ tư liệu cùng những công trình kiến trúc, những sản vật thương phẩm, những con tàu đắm được phát hiện. Qua đó, có thể thấy khung cảnh về hoạt động hải thương, về sự thịnh suy của các thương cảng và đô thị, sự tấp nập các tuyến đường hàng hải và các mối giao lưu rộng mở với bên ngoài. Bao trùm lên tất cả là ý thức biển, chính sách biển của các triều đại và hoạt động thương mại biển qua từng thời kì, qua những biến động của thời gian. Chủ quyền và an ninh biển là chủ đề được quan tâm xuyên suốt theo dòng chảy của lịch sử đất nước. Chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng đảo khác được đề cập thông qua tài liệu ghi chép trong chính sử Trung Quốc và qua sự quan sát của các thương nhân, giáo sĩ người phương Tây. Tự họ - những người ngoại quốc và các nguồn tư liệu, đã nói lên một cách khách quan, hiện thực về quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông mà ngày nay, việc bảo vệ chủ quyền, gìn giữ an ninh, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài. Ba nội dung chính của cuốn sách được giới thiệu trên đây là những phần hợp thành của công trình nghiên cứu do các tác giả tham gia tự nguyện, gắn kết chặt chẽ trong Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á do PGS.TS. Nguyễn Văn Kim thành lập và trực tiếp phụ trách. Nhóm được xây dựng từ năm 1999 với những thành viên chủ chốt của Bộ môn Lịch sử Thế giới - Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng thời có sự tham gia của nhiều anh chị em là giảng viên các Trường Đại học, Viện nghiên cứu... từng học tập, công tác tại Bộ môn Lịch sử Thế giới - Khoa Lịch sử và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian qua, trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác quốc tế, Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á đã tập trung vào những định hướng trọng tâm: 1. Truyền thống khai thác biển của người Việt và các cộng đồng cư dân khu vực; 2. Tâm thức và tư duy hướng biển của người Việt Nam; 3. Các nền văn hoá, không gian văn hoá biển; 4. Sự hình thành, hoạt động và vai trò của các thương cảng, cảng thị; 5. Thể chể biển và mối liên hệ với các Thể chế nông nghiệp, Thể chế lâm nghiệp; 6. Mối quan hệ giữa Biển với Lục địa, sự hình thành các tuyến giao thương, các nguồn thương phẩm; 7. Hoạt động giao thương trên biển của người Việt và mối liên hệ giữa người Việt với các cộng đồng thương nhân châu Á, châu Âu; 8. Quá trình tiếp giao, truyền bá và ứng đối tư tưởng, văn hoá; 9. Ý thức về chủ quyền, quá trình đấu tranh xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta qua các thời kì lịch sử; 10. Xây dựng nguồn tư liệu, cơ sở dữ liệu, thông tin về biển đảo và nghiên cứu phục vụ Chiến lược biển Việt Nam... Từ những định hướng trên, hoạt động nghiên cứu đã và đang góp phần hướng tới những nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về vị trí, tầm quan trọng của biển, tiềm năng phong phú đa dạng của biển đồng thời góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tác phẩm Người Việt với biển do PGS.TS Nguyễn Văn Kim làm Chủ biên là một trong những thành tựu mới của việc thực hiện định hướng nghiên cứu nêu trên. Công trình là kết quả của tinh thần say mê khoa học và phong cách nghiên cứu nghiêm túc của các thành viên Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á, đồng thời là điều hứa hẹn nhiều công trình tiếp nối trong tương lai. Tôi cảm nhận niềm vinh dự được giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc công trình khoa học Người Việt với biển và bày tỏ niềm tin tưởng sẽ được đón nhận các công trình, bài viết tiếp theo trong chương trình đã được xác định của Nhóm nghiên cứu cũng như các thành viên Bộ môn Lịch sử Thế giới.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2011

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây