Một cõi ân tình

Thứ bảy - 12/03/2016 00:00
Một cõi ân tình
Một cõi ân tình

Một hôm đứng nhìn dòng sông mải miết trôi, Khổng Tử xúc động thốt lên:
Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ
(Trôi chảy như vậy đấy, ngày đêm không ngừng nghỉ!)
Một lần trả lời học trò về trời đất đổi thay, Khổng Tử nói:
- Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên!
(Trời có nói gì đâu! Bốn mùa vẫn lần lượt vần xoay!)
Tôi chợt nhớ đến những lời trên khi cầm trong tay tập thơ mới của Minh Hồng - tập thơ “Trầm mặc thời gian”. Sâu ngầm yên lặng, thời gian cứ thế mải miết trôi đi len lách qua dòng lịch sử đầy ắp sự kiện của xã hội, qua dòng vận mệnh trĩu nặng những vui buồn của mỗi con người. Có lẽ không phải ngẫu nhiên Anh viết cho cõi thơ trong tác phẩm cái ten nặng suy tư đó. Từ lâu rồi, năm nay Anh đã vượt tuổi bát tuần, Anh đã đến cái tuổi có dịp, có đủ trải nghiệm để nhìn ngược lại những tháng năm quá vãng để suy ngãm, chiêm nghiệm, để biết quý trọng bao khoảnh khắc từng ghi dấu ấn sâu đậm trong ký ức trữ tình. Từ lâu rồi, Anh đã đến cái tuổi như nhà thơ phương tây E.Poe: “Những hạt cát thời gian bỗng hóa những hạt vàng”.

Từ trang này qua trang khác, thong thả bước trong “cõi thơ” của “Trầm mặc thời gian”, chúng ta có cảm tưởng dường như nhìn gần hay nhìn xa, nhìn sang Đông hay ngoảnh sang Tây chúng ta luôn bắt gặp những hạt vàng lấp lánh đó gắn liền với những kỷ niệm về những nơi chốn Anh từng đến, từng gắn bó, về những con người Anh từng gặp gỡ, yêu thương.
Là một nhà sử học, luôn cháy bỏng khát vọng tìm hiểu sâu sắc lịch sử, đất nước, con người, Minh Hồng để lại dấu chân mình trên nhiều vùng đất nước. Từ vùng biên Lai Châu qua Tuyên Quang, Cao Bằng, anh vào Cửa Việt, Quảng Trị, xuôi về Châu Đốc rồi vượt biển ra Phú Quốc, Côn Đảo… Anh cũng đã từng được đến Hoàng Hạc lâu để bâng khuâng tự hỏi:
“Hoàng Hậu lâu đâu ta tới đây
Nhà cao chất ngất trắng mây bay
Trường Giang cầu vút ngang sông khói
Chim Hạc hay ta lạc chốn này…”
Anh rộn ràng cùng:
"Phnôm Pênh vui ngày giải phóng
Màu đen lột xác
Muôn hoa cuộc sống choàng lên
Những nhà sư lại khoác áo màu thiền
Tượng thần Bay-on
Nguyên vẹn nụ cười
Hồi sinh đất nước…"

Đọc “Trầm mặc thời gian”, chúng ta có dịp thưởng thức cả một chùm nhiều bài thơ du ký của một nhà sử học với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế đặc biệt dù viết về một nơi chốn nào trên đất nước.
Thơ của anh bao giờ cũng chan chứa ân tình. Bao ân tình sâu nặng khi đứng giữa:
“Nghĩa địa Hàng Dương giữa cát bụi bay
Ngàn nấm mộ còn đây ngời khí tiết…

Lịch sử có chiều dày chiều sâu
Nằm trong lớp đất…”
                                                                        (Em có về Côn Sơn với anh không)
“Chúng tôi đến đây trời biển xanh
Cờ đỏ tung bay hoa trái ngọt lành
Ơn các anh những người trồng cây đi trước
Cho mùa xuân hạnh phúc hòa bình…
                                                                        (Chuyện kể về Phạm Hùng, người tù Côn Đảo)
Ân tình thấm đượm những vần thơ “Kỷ niệm vùng biên”:
Rừng tông-qua xanh biếc trên kia
Gió xào xạc trước mùa đông buốt giá
Vẫn thắm sắc giữa những triền núi lạ
Sức kiên cường như người lính vùng biên.
Ôi Lai Châu cả một vùng truyền thuyết
Truyền thuyết nào cũng thấm máu ông cha…
Có lúc quá xúc động khi “Thăm bia Lê Lợi”:
“Tổ quốc thiên liêng một dải biên thùy…

Ôi lòng anh run run không chép được
Hồn núi sông trong thi tứ anh hùng”.
Ân tình sâu nặng đối với đất nước của nhà thơ-nhà sử học Minh Hồng, theo tôi, sâu rễ bền gốc từ ân tình với Cha, với Mẹ, với Thầy, với bao người thân yêu gần gũi:
“Bao cánh rừng xanh thẳm
Bao ngọn núi Cha qua
Có bao điều căn dặn
Gửi lại con quê nhà…
 
“Con đi trong mưa trong nắng
Lội trong gian khổ cuộc đời
Nhớ mẹ con càng cố gắng
Suối vàng lòng Mẹ có vui?”
Nhớ lại “Nao nức một thời xanh” tuổi học trò, Minh Hồng nhớ lại với bao ân tình đầm ấm:
“Con người có một thời như thế
Chẳng đánh mất bản thân mình tuổi trẻ
Em đã đi hăm hở đến bây giờ
Để được đứng bên Thầy
Trên giảng đường Đại học…”
Thậm chí viết về một gương mặt “nghiêng nghiêng mặt hồ” làm anh “ngất ngây”, giọng điệu thơ của anh cũng thắm đượm ân tình sâu lắng:
“…mặt em nghiêng nghiêng
Anh không rõ nữa
Chỉ nụ cười em
Xinh nghiêng…”
                                                            (Xinh nghiêng)
Minh Hồng đặc biệt yêu sắc xanh, sắc xanh trở thành một ám ảnh trữ tình: “Kỷ niệm xanh một thời xanh”, “Hoa lá hát ca-Nắng! Gió! Trời xanh”, “Đôi mắt em xanh hoàng hôn Tô Châu”, “Mắt xanh đầy kỷ niệm”…
“Cõi Thơ” trong “Trầm mặc thời gian”, như cảm nhận của tôi, là một cõi ân tình. Xin phép được ghi thêm:
Một cõi Ân Tình Đậm Sắc Xanh

Tác giả: GS.NGND Nguyễn Kim Đính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây