Toạ đàm “Những vấn đề kinh tế - xã hội Hàn Quốc dưới góc nhìn của sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học” đã chính thức được tổ chức vào ngày 05 tháng 4 năm 2024 tại Trường Đại học Hạ Long.
Tọa đàm đã được lắng nghe 07 báo cáo của sinh viên đến từ ba trường. Tọa đàm được chia làm 02 phiên: phiên 1 - Xã hội Hàn Quốc, phiên 2 - Kinh tế Hàn Quốc.
Trong phiên 1, tọa đàm đã thảo luận về 04 báo cáo:
1) “Tìm hiểu mô hình xanh tại Đại học Quốc gia Seoul và kinh nghiệm cho Trường Đại học Hạ Long” của sinh viên Trần Thị Thu Hiền (Trường Đại học Hạ Long);
2) “Bạo lực thân thể ở học sinh cấp 3 Hàn Quốc - Trường hợp bộ phim The Glory” của sinh viên Nguyễn Như Phúc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội);
3) “Thực trạng phân tầng xã hội và bất bình đẳng ở Hàn Quốc phản ánh qua bộ phim “Kí sinh trùng”” của sinh viên Đặng Thị Bích Đào (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên);
4) “Hàn Quốc - xã hội trọng học vấn và những hệ lụy nhìn từ phim tài liệu “Sự phản bội của việc học”” của nhóm sinh viên Hà Văn Đức, Nguyễn Thị Hoàng Lan (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên).
Các báo cáo đã khai thác những vấn đề xã hội nóng hổi tại Hàn Quốc như bạo lực học đường, bất bình đẳng xã hội, vấn nạn trọng học vấn.... Đặc biệt, các báo cáo có nhiều điểm chung trong cách thức nghiên cứu vấn đề thông qua phân tích một bộ phim Hàn Quốc cụ thể. Bởi lẽ phim chính là một trong những tấm gương phản chiếu và trực quan hóa vấn đề xã hội một cách sâu sắc và sinh động, đặc biệt phim ảnh của Hàn Quốc rất đề cao yếu tố hiện thực.
Nối tiếp tọa đàm, phiên 2 khai thác các chủ đề về kinh tế Hàn Quốc với 03 báo cáo:
1) “Tinh thần tự lực cho phong trào Saemaul của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Hiền, Vũ Hoàng Yến, Nguyễn Hoàng Thiên Vũ (Trường Đại học Hạ Long);
2) “Đầu tư của Hàn Quốc vào tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2023” của nhóm sinh viên Vũ Thị Thúy Ngọc, Dương Thị Ninh (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên);
3) “Tìm hiểu về phát triển du lịch thông minh tại Seoul (2016-2019)” của sinh viên Phạm Minh Sơn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Các báo cáo vừa có tính cập nhật, vừa có giá trị ứng dụng cao bởi những đề xuất, gợi ý dành cho Việt Nam. Các sinh viên đã tiếp cận vấn đề đa chiều và có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, tổng hợp và phân tích số liệu tham khảo.
Tọa đàm khoa học đã được diễn ra trong không khí học thuật sôi nổi, cởi mở và đầy tính tranh biện. Xuyên suốt tọa đàm, các sinh viên đã tự tin trao đổi quan điểm, góc nhìn đa dạng về các vấn đề kinh tế-xã hội Hàn Quốc. Bên cạnh những ý kiến thảo luận của các sinh viên khác tham dự tọa đàm, các bài tham luận cũng nhận được góp ý từ các chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc học tại Việt Nam.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, TS. Lưu Tuấn Anh - Trưởng Bộ môn Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định rằng: “Ngôn ngữ, cụ thể ở đây là tiếng Hàn sẽ trở thành công cụ trong thời đại mới. Chương trình của tọa đàm mang ý nghĩa “chia sẻ và phát triển” và hôm nay đã góp phần chia sẻ để từng trường cũng như các sinh viên tham dự tọa đàm tích lũy thêm kinh nghiệm để phát triển bản thân”.
Chương trình đã chính thức khép lại vào lúc 18 giờ 15 phút cùng ngày. Tọa đàm khoa học lần này chính là cơ hội quý báu để các sinh viên luyện tập nghiên cứu khoa học, tích lũy kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm trong nghiên cứu Hàn Quốc học. Đây cũng là hoạt động trọng điểm của Dự án Hạt giống Hạt Quốc học AKS nhằm khuyến khích tinh thần nghiên cứu khoa học sinh viên, ươm mầm các nhà khoa học trẻ tài năng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn