Khu công nghiệp Kaesŏng là một đặc khu công nghiệp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Khu này được thành lập vào năm 2002, tách ra từ thành phố trực thuộc trung ương Kaesŏng cũ. Ngày 3 tháng 4 năm 2013, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chặn quyền tiếp cận vào khu vực đối với tất cả công dân Hàn Quốc, như một kết quả trong quá trình gia tăng căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia.
Theo AFP, cho đến nay từ khi nhà máy dệt may với 300 công nhân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Park Yong-man bị đóng cửa. Doanh nghiệp này là một trong 125 công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong phải ngừng hoạt động khi quan hệ Hàn - Triều Tiên trở nên căng thẳng vì các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng, .
Seoul tháng 2/2016 đóng cửa Kaesong và yêu cầu các nhà đầu tư về nước để đáp trả các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, vì cho rằng khu công nghiệp đã tạo ra hàng trăm triệu USD được sử dụng cho chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt của Liên hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên khiến việc tái mở cửa Kaesong gần như bất khả thi. Tuy nhiên, tiến trình hòa giải gần đây trên bán đảo Triều Tiên thắp lên hy vọng mới cho những doanh nhân như Park về một "phép màu".
Đến nay, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. "Đây là năm thứ tư khó khăn với tôi", Park nói. Ông luôn chật vật duy trì việc kinh doanh sau khi rời khỏi Kaesong, nơi từng cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao, chi phí thấp, làm việc chăm chỉ cho Park.
Giống nhiều nhà đầu tư khác ở Kaesong, Park trả chính phủ Triều Tiên 70 USD một tháng cho mỗi công nhân. Từ khi khu công nghiệp đóng cửa, ông đã tới khảo sát ở hơn 10 quốc gia, cố gắng tìm nơi đặt xưởng sản xuất. "Câu trả lời vẫn là Kaesong lý tưởng nhất", Park nói.
Theo một khảo sát mới đây do Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc thực hiện, 96% công ty Hàn Quốc từng hoạt động ở Kaesong có mong muốn khu công nghiệp mở cửa trở lại.
Bình thường hóa hoạt động tại Kaesong là một trong những thỏa thuận quan trọng đạt được giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm ngoái.
Hồi đầu năm nay, Kim hy vọng tái mở cửa Kaesong "mà không cần điều kiện". Tổng thống Hàn Quốc đánh giá hợp tác kinh tế xuyên biên giới là "phước lành" nhưng hàng loạt biện pháp trừng phạt do Liên Hợp Quốc ban hành từ năm 2016 tới nay đã ngăn chặn tiến trình tái mở cửa Kaesong.
"Hiện tại, việc mở lại Khu công nghiệp Kaesong rất khó", Kim Kwang-gil, luật sư từng làm việc trong khu công nghiệp từ năm 2004 tới 2013, nhận định.
Các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc cấm mọi cá nhân, tổ chức thành lập công ty liên doanh với Bình Nhưỡng và vận hành các tổ chức tài chính, chẳng hạn như ngân hàng để thanh toán tiền lương, bên trong lãnh thổ Triều Tiên.
Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng cấm xuất khẩu hàng dệt may Triều Tiên, loại sản phẩm chính ở khu công nghiệp Kaesong, còn Mỹ cấm tất cả sản phẩm do lao động Triều Tiên sản xuất.
Việc chuyển lượng lớn tiền mặt để trả lương cho công nhân cũng bị cấm theo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an, trong khi việc sử dụng đồng USD để trả lương cho công nhân Triều Tiên như trước khi khu công nghiệp đóng cửa giờ đây sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.
Seoul có thể xin miễn trừ từ Liên Hợp Quốc, Kim Kwang-gil nói, giống như từng xin cho dự án đường sắt xuyên biên giới năm ngoái. Tuy nhiên, theo nhận định của giám đốc cấp cao của Viện Kinh tế Hàn Quốc Troy Stangarone, lệnh miễn trừ này chỉ là tạm thời và không thể đảm bảo cho tương lai của Kaesong.
Washington được cho là đang cân nhắc dỡ bỏ biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng để đổi lấy nhượng bộ của Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội.
Trước hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc trao đổi với Tổng thống Mỹ, khẳng định Seoul sẵn sàng "chia sẻ gánh nặng" với Mỹ bằng cách nối lại các dự án kinh tế chung với Triều Tiên, hỗ trợ Bình Nhưỡng trải qua quá trình phi hạt nhân hóa.
Điểm khó nhất trong việc tái khởi động Kaesong là nơi đây có thể được sử dụng như một cỗ máy kiếm tiền cho chương trình vũ khí của Triều Tiên. Năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in bác bỏ tuyên bố của người tiền nhiệm rằng 70% trong số 546 triệu USD chi tiêu ở Kaesong được sử dụng để phát triển kho vũ khí của Bình Nhưỡng.
Còn Stanarone đánh giá chương trình vũ khí của Triều Tiên "hưởng lợi" từ Kaesong, dù khu công nghiệp này không trực tiếp tài trợ cho Bình Nhưỡng. "Nó cung cấp cho Bình Nhưỡng ngoại tệ mạnh cần thiết để mua hàng hóa quốc tế, trong đó có các thiết bị liên quan tới chương trình vũ khí", ông nói.
Tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha phát biểu trước các nhà lập pháp rằng Seoul cần tìm cách tái mở cửa khu công nghiệp mà không cần sử dụng ngoại tệ mạnh.
Luật sư Kim đề nghị các nhà bán lẻ có thể mở cửa hàng trong khu công nghiệp, nơi chủ công ty sẽ trả tiền mua hàng cho công nhân. "Nhưng điều đó sẽ khiến Bình Nhưỡng không còn được tiếp cận với ngoại tệ mạnh", Stangarone nói. "Liệu Triều Tiên có sẵn lòng chấp nhận hình thức thanh toán thay thế không?"
ĐPH Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn