Liên quan tới nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Triều Tiên để đàm phán vấn đề này với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo Yonhap, mục đích chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhằm đẩy mạnh mục tiêu vì một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân cũng như dàn xếp Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Liên tiếp các chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong năm nay đã phần nào chứng tỏ thiện chí hướng tới giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa giữa lúc các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc. Mỹ một mặt tuyên bố giữ nguyên lệnh trừng phạt, mặt khác yêu cầu Triều Tiên có các bước phi hạt nhân hoá cụ thể. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ hé mở các hướng tiếp cận mới để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bất chấp những tín hiệu tiêu cực từ phía Triều Tiên thời gian gần đây.
Có thể đưa ra nhận định, tuy vẫn còn khá sớm rằng Bình Nhưỡng có thể đóng băng toàn bộ hoạt động hạt nhân và công khai kho vũ khí nếu đạt được thỏa thuận với Washington tại Hà Nội.
Trong cuộc trò chuyện chiều ngày 27/2/2018 tại khách sạn Metropole ở Hà Nội Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều bày tỏ kỳ vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ thu được kết quả tốt đẹp hơn so với cuộc gặp thứ nhất ở Singapore hồi năm ngoái, đồng thời tuyên bố mối quan hệ giữa hai ông chính là "tiến bộ lớn nhất" trong quan hệ song phương.
Những tuyên bố đầy lạc quan giữa hai lãnh đạo thắp lên kỳ vọng về những thỏa thuận sẽ được hai bên đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày mai. Dù chương trình nghị sự cho ngày làm việc thứ hai của lãnh đạo Mỹ - Triều chưa được tiết lộ, giới quan sát cho rằng hai lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận và thống nhất định nghĩa khái niệm "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", bên cạnh khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên hay tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Nếu hai bên đạt được thỏa thuận lớn trong cuộc gặp này, Triều Tiên có thể sớm khởi động lộ trình 4 bước để tiến tới phi hạt nhân hóa, theo Yonhap.
Quá trình phi hạt nhân hóa thường bắt đầu với việc đóng băng mọi hoạt động hạt nhân, chấm dứt việc vận hành lò phản ứng và nhà máy xử lý những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Bình Nhưỡng cần niêm phong các cơ sở hạt nhân và lắp đặt thiết bị giám sát để ngăn bất cứ ai tiếp cận trái phép.
Bước thứ hai sẽ giúp kiểm chứng cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, khi nước này phải công khai toàn bộ các cơ sở hạt nhân, nơi lưu trữ nhiên liệu phóng xạ, vũ khí hạt nhân và trang thiết bị đi kèm. Các quan sát viên quốc tế sau đó sẽ áp dụng quy trình xác thực để bảo đảm Bình Nhưỡng không che giấu chương trình hạt nhân.
Sau khi danh sách các loại vũ khí và cơ sở hạt nhân được kiểm chứng đầy đủ, Triều Tiên có thể bắt đầu quá trình vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân, bao gồm tháo dỡ các thành phần then chốt và chuyển chúng ra nước ngoài hoặc phá hủy hoàn toàn ở trong nước. Điều này nhằm bảo đảm các nhà máy hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ ngừng hoạt động trong một thời gian nhất định, trước khi thực hiện bước cuối cùng.
Lộ trình phi hạt nhân hóa sẽ kết thúc với việc phá hủy hoàn toàn các nhà máy hạt nhân, tẩy bớt phóng xạ và chôn lấp vật liệu hạt nhân cùng các thiết bị liên quan. Giai đoạn này có thể được đẩy nhanh nếu không có nguy cơ gây rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường xung quanh.
"Triều Tiên có thể chấp nhận tháo dỡ nhà máy hạt nhân Yongbyon sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Đây là địa điểm có khoảng 400 công trình với trung tâm là một lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt, cùng các nhà máy làm giàu urani và địa điểm xử lý các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng", bình luận viên Song Sang-ho của Yonhap nhận định.
Bình Nhưỡng đang sở hữu khoảng 50 kg plutoni cấp độ vũ khí sau khi xử lý các thanh nhiên liệu từ nhà máy Yongbyon, cho phép nước này chế tạo ít nhất 8 đầu đạn hạt nhân.
Giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng việc phá hủy cơ sở Yongbyon sẽ ngăn Triều Tiên chế tạo thêm vật liệu phóng xạ, trở thành bước đi quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại cho rằng quá trình tháo dỡ nhà máy này sẽ không chấm dứt được mối đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng.
Nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc, Yongbyon mang giá trị biểu tượng như "viên ngọc quý" của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Được xây dựng vào năm 1979, tổ hợp này sản xuất plutoni và những vật liệu cần thiết khác để Triều Tiên thực hiện vụ thử bom nguyên tử đầu tiên hồi năm 2006.
Chủ tịch Kim Jong-un tháng 9 năm ngoái đưa Yongbyon trở lại bàn thảo luận với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông bày tỏ thiện chí sẵn sàng chấp nhận "tháo dỡ vĩnh viễn" nhà máy này nhằm đổi lại "những động thái tương ứng" từ phía Mỹ.
Rõ ràng, sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên lúc này là hết sức quan trọng cho tiến trình đàm phán giữa hai bên, nhất là khi tiến trình này đang gặp phải không ít những rào cản do khoảng cách về lập trường chưa được thu hẹp. Dựa trên thiện chí, nền tảng hướng tới thu hẹp bất đồng về quan điểm, cùng với những kỳ vọng đặt ra cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, hy vọng hai bên sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, đưa ra các giải pháp đột phá cho vấn đề phi hạt nhân hóa, để từ đó rút ngắn thời gian thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên./.
ĐPH Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn