Thành thạo ngoại ngữ trong chuyên môn: không thể trì hoãn thêm
Tại tọa đàm, GS. Hiệu trưởng Phạm Quang Minh chia sẻ những thông tin về định hướng và chiến lược hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường. Hàng năm, đội ngũ cán bộ của Nhà trường công bố trung bình hơn 600 bài báo khoa học. Riêng năm 2018, Trường có hơn 80 công bố quốc tế, trong đó có 12 công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt chỉ tiêu mà ĐHQGHN giao cho. Để lọt vào top 100 đại học hàng đầu châu Á như mục tiêu mà Nhà trường đã đề ra thì những chỉ số này cần phải được cải thiện vượt bậc.
GS.TS Phạm Quang Minh (HIệu trưởng Nhà trường) phát biểu nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của cán bộ trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời đề nghị Công đoàn Nhà trường có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ các công đoàn viên
Để hội nhập quốc tế thì năng lực sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ là một yếu tố quan trọng. Trong thời gian qua, Nhà trường đã triển khai các hoạt động hỗ trợ đa dạng như tổ chức các lớp học tiếng Anh giao tiếp và chuyên sâu; thành lập CLB tiếng Anh Lunch Box; có chính sách hỗ trợ cán bộ tham dự hội thảo ở nước ngoài và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS; hỗ trợ các công bố quốc tế lên đến 250 triệu cho một cuốn sách xuất bản tại các NXB nước ngoài...
TS. Ngô Thị Kiều Oanh (Chủ tịch Công đoàn Trường, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ) cho rằng đã đến lúc không thể trì hoãn thêm yêu cầu về năng lực sử dụng tiếng Anh trong đội ngũ cán bộ
Bên cạnh đó, hàng năm, Nhà trường tổ chức từ 30 đến 40 hội thảo quốc tế về nhiều lĩnh vực; mời nhiều học giả nước ngoài đến giảng dạy và thuyết trình. Số lượng sinh viên nước ngoài theo học ở các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn tại trường cũng ngày càng tăng. Môi trường học tập và nghiên cứu tại Trường ĐHKHXH&NV đã có những yếu tố quốc tế rõ nét, giúp cho đội ngũ cán bộ, sinh viên có cơ hội sử dụng tiếng Anh thường xuyên hơn và giao lưu với sinh viên, giảng viên nước ngoài.
Đánh giá về thực trạng năng lực tiếng Anh của đội ngũ cán bộ, TS. Ngô Thị Kiều Oanh chia sẻ: 35,8% trong tổng số 363 giảng viên toàn trường được ghi nhận là thành thạo ngoại ngữ trong chuyên môn theo các tiêu chí của Nhà trường. Và thành thạo ngoại ngữ phục vụ giảng dạy và nghiên cứu sẽ là điều kiện bắt buộc đối với cán bộ Nhà trường và yêu cầu này không thể trì hoãn thêm được nữa.
Sắp tới, Phòng Tổ chức cán bộ sẽ đề xuất triển khai đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, quy định chi tiết lộ trình và mục tiêu cụ thể về điều kiện ngoại ngữ phải đạt được của cán bộ cho đến năm 2020. Đội ngũ giảng viên sẽ được chia đến theo các nhóm tuổi: dưới 35, từ 35-45 và trên 45 tuổi. Tương ứng với từng nhóm tuổi là các yêu cầu khác nhau về trình độ tiếng Anh bắt buộc phải đạt được. Song song với đó, công tác tuyển dụng cán bộ cũng sẽ ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn về ngoại ngữ ngay từ đầu để làm nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ sau này. Các hoạt động hỗ trợ năng lực ngoại ngữ cho cán bộ sẽ được triển khai thường xuyên hơn.
Phải vượt qua chính mình
Tọa đàm ghi nhận những ý kiến đồng tình và ủng hộ của các công đoàn viên đối với chủ trương trên của Nhà trường. Các ý kiến không chỉ giúp nhận diện những khó khăn mà còn chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong việc “đối diện” với tiếng Anh.
PGS.TS Nguyễn Trường Giang (Phó trưởng Khoa Nhân học) cho biết: Khoa Nhân học là đơn vị có số lượng giảng viên không nhiều song có số lượng công bố quốc tế khá ấn tượng so với mặt bằng chung của Nhà trường. Đó là bởi mỗi thầy cô luôn tự đặt ra sức ép và mục tiêu cho chính mình về công bố quốc tế và coi đó là trách nhiệm của một người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu trong trường đại học. Khoa cũng tiên phong đưa tiếng Anh trở thành phương tiện giảng dạy ở một số môn học. Và thực tế đã chỉ ra rằng, không chỉ các thầy cô học tại nước ngoài mới có thể dùng tiếng Anh thành thạo trong chuyên môn mà ngay cả các thầy cô chỉ học tập trong nước cũng hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu này.
TS. Trương Thị Bích Hạnh - công đoàn viên đến từ Khoa Lịch sử - thì cho rằng, có thách thức không hề nhỏ đối với những giảng viên ở độ tuổi không còn trẻ trong việc sử dụng tiếng Anh. Trên phương diện chung thì các thầy cô gặp sức ép về việc làm thế nào để cân bằng cuộc sống riêng với biết bao nhu cầu, trách nhiệm hàng ngày với mục tiêu phát triển năng lực chuyên môn của cá nhân trong hoàn cảnh quỹ thời gian khá eo hẹp. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ của Trường đều có khả năng sử dụng tiếng Anh song sử dụng được ở mức độ thành thạo trong chuyên môn thì không hề đơn giản.
TS. Trương Thị Bích Hạnh cũng chỉ ra rằng việc cứ mãi bằng lòng với “trình độ ở mức trung bình” sẽ dẫn đến hệ quả là đánh mất đi những cơ hội trong tương lai. Trình độ tiếng Anh luôn chỉ ở mức trung bình khiến các giảng viên không thể tiếp cận đến những dự án chuyên môn ở trình độ cao hơn với những mức thu nhập tốt hơn rất nhiều so với hiện tại. Cho nên mỗi cá nhân rất cần nỗ lực tự thân để bứt phá ra khỏi vùng an toàn.
TS. Trương Thị Bích Hạnh (Khoa Lịch sử) cảnh báo nguy cơ cán bộ hài lòng với "trình độ trung bình" mà vuột mất những cơ hội trong tương lai vì không thành thạo tiếng Anh
Cùng chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Khoa Du lịch học) cho rằng việc học tập ở trong hay ngoài nước hay không phải là rào cản chính mà quan trọng là các thầy cô có dám đối mặt với thách thức ấy để vượt qua hay không?
Công đoàn viên Đặng Hoàng Ngân đến từ Khoa Tâm lý học đề nghị Nhà trường cần có chế tài cụ thể và chặt chẽ để khen thưởng cũng như xử phạt những cán bộ không hoàn thành cam kết đối với việc học tiếng Anh. Công đoàn viên Nguyễn Hương Ngọc (Khoa Văn học) kiến nghị cần mở các lớp học tiếng Anh chuyên sâu cho cán bộ gắn với các nhóm chuyên ngành cụ thể, để năng lực tiếng Anh được gắn chặt với kiến thức chuyên ngành. Công đoàn viên Trần Đăng Trung (Khoa Văn học) đề nghị Nhà trường quan tâm xây dựng học liệu đạt chuẩn quốc tế để phục vụ việc dạy và nghiên cứu bằng tiếng Anh.
TS. Đỗ Thuỳ Lan (công đoàn viên đến từ Khoa Lịch sử) cho rằng: trong bối cảnh những hỗ trợ của Nhà trường chưa thể đáp ứng được ngay lập tức mọi nhu cầu học tập và nghiên cứu của cán bộ thì mỗi cá nhân cần phải cố gắng tự nâng cao trình độ tiếng Anh, vừa để chia sẻ với định hướng phát triển chung của Trường, vừa vì lợi ích của chính bản thân mình. Năng lực ngoại ngữ phải được phát triển gắn với năng lực nghiên cứu chuyên môn. Ngoại ngữ là công cụ để mỗi giảng viên có thể cập nhật thông tin và trao đổi về học thuật với các chuyên gia thế giới trong lĩnh vực chuyên ngành hẹp của mình. Bên cạnh đó, Công đoàn Trường và các công đoàn bộ phận có thể xây dựng mạng lưới các công đoàn viên có cùng chung mối quan tâm và mong muốn được chia sẻ về cách học, sử dụng ngoại ngữ, trong đó những người đi trước có kinh nghiệm có thể chỉ dẫn và giúp đỡ những người đi sau.
Theo USSH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn