TTLA: Quá trình xây dựng quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc (1989 - 2009)

Thứ tư - 10/08/2016 00:00

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
    Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991 với sự giải thể của nhà nước Liên Xô và một loạt các nước Đông Âu, trật tự hai cực sụp đổ. Thế giới chuyển sang trật tự quan hệ quốc tế đương đại được hình thành với những đặc điểm mới trên nhiều phương diện từ chủ thể đến tương quan lực lượng, nguyên tắc họat động và cấu trúc quyền lực. Ở phạm vi khu vực, bên cạnh những thành quả ấn tượng với sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế, khu vực này cũng được nhắc đến như một nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chính trị, quân sự có sức tác động không chỉ đến trật tự khu vực mà cả phạm vi toàn thế giới. Quan hệ ASEAN – Hàn Quốc là một trong những mối quan hệ phản ánh đầy đủ những biến động chung của thế giới và khu vực. Ảnh hưởng ngày càng tăng của ASEAN với tư cách là tổ chức khu vực thành công nhất trong khối các nước đang phát triển và sự phát triển mạnh mẽ về kinh thế của Hàn Quốc cùng tính dễ tổn thương và mục đích chính trị riêng của hai thực thể trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực được coi là động cơ thúc đẩy sự thiết lập của mối quan hệ này. Với ảnh hưởng ngày càng rõ nét của ASEAN ở khu vực Đông Á và tầm quan trọng của Hàn Quốc cũng như của bán đảo Triều Tiên trong trật tự quan hệ quốc tế, quan hệ ASEAN – Hàn Quốc đang và sẽ là một yếu tố có tác động không nhỏ đến sự phát triển ổn định và hòa bình khu vực. Đối với bản thân Hàn Quốc, ASEAN hay các nước thành viên ASEAN, mối quan hệ này chắc chắn sẽ là một trong những nhân tố không thể bỏ qua trong quá trình hoạch định chính sách của mỗi bên.
Quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc là mối quan hệ chứa đựng nhiều yếu tố mới trong quan hệ quốc tế. Đây là mối quan hệ của một tổ chức với một quốc gia có quyền lực hạng trung trong khu vực. Vì thế, nghiên cứu mối quan hệ này sẽ có vai trò và ý nghĩa riêng không chỉ trên phương diện thực tiễn mà còn cả đối với lý luận quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế châu Á nói riêng.
Giai đoạn ASEAN và Hàn Quốc xây dựng quan hệ đối tác toàn diện (1989 - 2009) cũng là giai đoạn Việt Nam thực hiện những thay đổi về chính sách ngoại giao với chủ trương làm bạn với tất cả các nước và có nhiều bước phát triển vượt bậc trong quan hệ với Hàn Quốc. Với tư cách là một thành viên của ASEAN, cùng với những chuyển động của quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ mối quan hệ này.
Với nhận định giai đoạn xây dựng quan hệ đối tác toàn diện có thể coi là giai đoạn đóng vai trò xây dựng nền móng và định hướng phát triển cho quan hệ ASEAN – Hàn Quốc, việc tìm hiểu và nhìn lại quá trình xây dựng quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc (1989 - 2009) để làm rõ những đặc điểm, thành quả cũng như hạn chế của mối quan hệ này nhằm lý giải cho những động thái cũng như chiều hướng phát triển trong quan hệ ASEAN – Hàn Quốc, cũng như định vị nó trong hiện trạng chung của quan hệ quốc tế khu vực là một yêu cầu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của của luận án này là để: 1) phân tích sự vận động và những chuyển biến của quan hệ ASEAN – Hàn Quốc từ quan hệ đối tác đối thoại đến quan hệ đối tác toàn diện, 2) làm rõ những đặc trưng cũng như tác động và ảnh hưởng của quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 1989 – 2009 trong quá trình phát triển chung của quan hệ ASEAN – Hàn Quốc và trong trật tự quan hệ quốc tế khu vực Đông Á.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án là quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc. Trong đó, đối tượng trọng tâm mà luận án này hướng đến là quan hệ giữa ASEAN được xem xét như một thực thể thống nhất với tư cách là một tổ chức khu vực của các nước Đông Nam Á thành lập năm 1967 và Hàn Quốc với tư cách là quốc gia độc lập được thành lập sau năm 1948.   
    3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án về mặt thời gian là quá trình xây dựng quan hệ ASEAN – Hàn Quốc từ khi bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989 đến năm 2009 là thời điểm kết thúc mối quan hệ đối tác toàn diện để chuyển đổi thành quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010. Về phạm vi nội dung, quan hệ ASEAN - Hàn Quốc được xem xét theo 3 trụ cột dựa trên sự thống nhất trong kế hoạch tổng thể phát triển cộng đồng ASEAN và động hướng triển khai xây dựng quan hệ với ASEAN của Hàn Quốc. Đó là 3 trụ cột: an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội..
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
    Xuất phát từ nhận định quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc là một giai đoạn trong quá trình phát triển quan hệ ASEAN – Hàn Quốc, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử và các phương pháp khác như: phương pháp phân kỳ, phương pháp phân tích so sánh, phương pháp đồng đại, lịch đại để nhận diện lịch sử. Luận án luận án còn vận dụng các phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế như phương pháp phân tích địa chính trị, các lý thuyết về trật tự quan hệ quốc tế, các quan điểm lý thuyết về quan hệ quốc tế ở châu Á, các quan điểm về chủ thể và lợi ích trong quan hệ quốc tế....để làm rõ các vấn đề nghiên cứu.
    Nguồn tư liệu cho luận án được thu thập từ ba nguồn chính là nguồn tài liệu lưu trữ, các công trình khoa học - báo chí, các số liệu thống kê của các cơ quan và tổ chức có liên quan. 
5. Những đóng góp của luận án
    5.1. Về mặt khoa học: - Luận án đã hệ thống hóa quá trình xây dựng quan hệ ASEAN – Hàn Quốc từ khi thiết lập đến hết giai đoạn hiện thực hóa quan hệ đối tác toàn diện.  Từ đó, đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của quan hệ ASEAN – Hàn Quốc trên cả hai phương diện: tiến trình lịch sử và phạm vi quan hệ quốc tế.
- Luận án đã chỉ ra những tác động những tác động của tình hình quốc tế và khu vực đối với sự hình thành và phát triển quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc. Qua đó 
- Luận án đã chỉ ra những những thành tựu cũng như hạn chế của quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc từ đó xác định vai trò của nó trong quá trình phát triển quan hệ ASEAN – Hàn Quốc, trong quan hệ quốc tế khu vực và trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.
     - Về phương pháp luận, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu khu vực và vận dụng các lý thuyết về quan hệ quốc tế để làm rõ sự biến đổi cũng như vai trò của quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc trong tiến trình quan hệ của nó và trong tình hình chung của quan hệ quốc tế khu vực.
5.2. Về thực tiễn: Thông qua việc phân tích, đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế, vai trò của quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc, sự biến chuyển trong nhận thức về đối phương của hai thực thể quan hệ, đặc biệt là nhận thức từ phía Hàn Quốc, luận án sẽ cung cấp các luận cứ khoa học góp phần vào việc nhận định tình hình khu vực, hoạch định chính sách cho Việt Nam trong quan hệ với ASEAN, Hàn Quốc nói riêng cũng như xây dựng ý tưởng, đề xuất cho việc thúc đẩy quan hệ ASEAN – Hàn Quốc nói chung. 
6. Kết cấu của luận án: Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm có 4 chương:
    Chương 1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
    Chương 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc
    Chương 3. Quá trình hình thành và củng cố quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc 
    Chương 4: Tác động và bài học kinh nghiệm từ quan hệ đối tác toàn diện ASEAN – Hàn Quốc

(Chi tiết xem file đính kèm)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây