MỞ ĐẦU
1. Lý do nghiên cứu đề tài
Việc huy động hiệu quả nhất các nguồn lực cũng như duy trì được cao nhất nguồn lực đó để phát triển là những vấn đề then chốt trong chính sách phát triển của mọi quốc gia, mọi thời đại. Lịch sử chứng mình rằng, quốc gia nào nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của các nguồn lực cũng như có chính sách phát huy các nguồn lực đó một cách hợp lý, quốc gia đó sẽ phát triển thành công.
Việt Nam do nhiều thập kỷ phải tập trung mọi nguồn lực của đất nước cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đã trở thành một trong những quốc gia kém phát triển nhất ở Đông Nam Á. Tình trạng kém phát triển đó không chỉ tác động xấu tới đời sống của mọi tầng lớp nhân dân trong nước mà còn làm giảm ý nghĩa của những thắng lợi giành được trong quá trình đấu tranh giải phóng đất nước. Nhận thức được điều đó, từ năm 1986 tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam - với tư cách là Đảng cầm quyền - đã phát động công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Mục tiêu của sự nghiệp đổi mới là nhanh chóng biến Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển kinh tế cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu tổng quát của giai đoạn 2016-2020 là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; ...; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.” [BCH TW Đảng khóa XI, 2015]. Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là từ những nước tương đồng về văn hóa, lịch sử và có xuất phát điểm kinh tế giống với Việt Nam như Singapore và Hàn Quốc - hai trong bốn con rồng Châu Á. Thêm vào đó, kinh nghiệm phát triển của Singapore và Hàn Quốc cũng đặc biệt được chú ý bởi hai quốc gia này đã phát triển bền vững trong một thời gian dài dưới sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Do vậy, nhìn một cách tổng thể, thành công của Singapore và Hàn Quốc sẽ có giá trị tham khảo lớn cho Việt Nam.
Với xuất phát điểm không mấy thuận lợi như nhiều quốc gia ở Đông Á, sau hơn hai thập kỷ nỗ lực phấn đấu từ đầu thập niên 1960, Singapore và Hàn Quốc đã vươn lên thành những nước công nghiệp hóa mới (Newly Industrialized Country -NIC) ở Đông Á. Hiện nay, cả hai nước này vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể tìm chỗ đứng trong câu lạc bộ các nước phát triển nhất thế giới. Thành công phát triển của Singapore và Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Singapore dưới sự lãnh đạo của Lee Kuan-yew đã từng bước biến chuyển nền kinh tế quốc đảo với tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 2422 USD năm 1961 tới 8362 USD năm 1979. Bên cạnh sự nổi bật của kì tích Singapore, tổng thống Park Chung-hee và chính phủ Hàn Quốc cũng đã tập trung phát triển kinh tế Hàn Quốc, đưa đất nước thoát khỏi cảnh tàn phá bởi cuộc nội chiến, tăng thu nhập bình quân đầu người gấp 20 lần từ 83 USD năm 1961 thành 1640 USD năm 1979.
Singapore và Hàn Quốc đều bị đánh giá là những quốc gia không giàu có về tài nguyên thiên nhiên, bị hạn chế bởi thị trường trong nước nhỏ hẹp, đặc biệt là Singapore. Nguồn lực bất biến để phát triển đất nước của hai quốc gia này là vị trí địa chính trị và nguồn lực con người. Với xuất phát điểm như vậy, như nội dung sẽ phân tích trong luận án, Singapore và Hàn Quốc đã thực hiện các chiến lược phát triển với một số nét tương đồng. Đó là lấy nhu cầu thị trường bên ngoài để định hướng phát triển kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển trong khi tích cực phát triển và khai thác tối đa nguồn lực con người. Bên cạnh đó, nhằm phát huy lợi thế đặc thù, Singapore và Hàn Quốc cũng đã thực hiện một số chính sách phát triển riêng biệt. Singapore tập trung nhiều vào phát triển các ngành dịch vụ, biến đất nước họ thành trung tâm tài chính và trung chuyển hàng hóa lớn ở Đông Nam Á, trong khi đó, Hàn Quốc lại chủ trương phát triển các ngành công nghiệp nặng và trở thành một trong những nước công nghiệp phát triển nhất Đông Á. Vấn đề đặt ra là, hai quốc gia đã sử dụng nguồn lực con người và nguồn vốn tài chính như thế nào để có thể tạo nên những kỳ tích (miracle) về kinh tế, đóng góp vào “sự thần kỳ” về kinh tế ở Châu Á giai đoạn 1961 - 1979?
Tính bền vững của hai mô hình phát triển Singapore và Hàn Quốc đã được thử thách bởi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998. Kinh tế Hàn Quốc trong một giai đoạn đã lâm vào tình trạng khủng hoảng tạm thời trong khi kinh tế Singapore cũng ít nhiều chịu những ảnh hưởng. Từ thực tế này, nhiều người, đặc biệt các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển trên thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã đặt câu hỏi: Phải chăng mô hình phát triển của Singapore bền vững hơn, còn mô hình của Hàn Quốc với Chaebol khổng lồ là thiếu bền vững? Nền tảng nào đã giúp Singapore và Hàn Quốc có thể duy trì phát triển bền vững như vậy?
Các câu hỏi trên chỉ có thể trả lời một cách thỏa đáng khi ta tiến hành một nghiên cứu so sánh về hai chiến lược phát triển của hai quốc gia trên. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới, mà trước hết là cho việc hoạch định chính sách phân bổ nguồn lực và tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, nghiên cứu sẽ góp thêm một lời giải thích về một số nguyên nhân tạo dựng sự thần kỳ Châu Á, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho bất cứ ai quan tâm về nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực con người và nguồn lực tài chính tại Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu
- Khảo sát nhận thức về tầm quan trọng của nguồn lực con người và nguồn vốn đầu tư đối với phát triển của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979.
- Rút ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hoạt động đào tạo, sử dụng nguồn lực con người cũng như cách thức thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979.
- Đưa ra một số bài học tham khảo cho chính sách đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, nguồn vốn đầu tư ở Việt Nam hiện nay.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát cơ sở lý thuyết và thực tiễn trong việc hoạch định chiến lược phát triển của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979, chỉ ra và chứng minh được mối quan hệ phụ thuộc của chiến lược phát triển dựa vào nguồn lực con người và nguồn vốn đầu tư ở Singapore và Hàn Quốc.
- Phân tích, đánh giá để tìm kiếm mẫu số chung và riêng từ hoạt động đào tạo, sử dụng nguồn lực con người cũng như cách thức thu hút và hoạt dụng nguồn vốn đầu tư của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979.
- Trên cơ sở đánh giá về đặc trưng, tính hiệu quả và vấn đề tồn tại trong vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư ở hai quốc gia, chúng tôi đưa ra một số gợi ý mang tính tham khảo cho chính sách đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, nguồn vốn đầu tư ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng chính của đề tài là nghiên cứu nguồn lực phát triển, trọng tâm là nguồn lực con người và nguồn vốn đầu tư của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Phạm vi thời gian nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu của đề tài tập trung thu thập trong giai đoạn 1961 - 1979.
+ Đối với Singapore: năm 1961 là thời điểm quốc gia này bắt đầu tiến hành kế hoạch phát triển quốc dân 4 năm (1961 - 1964) và năm 1979 là mốc đạt được quy chế một NIC Châu Á theo báo cáo OECD (1979) .
+ Đối với Hàn Quốc: 1961 - 1979 là giai đoạn tổng thống Park Chung-hee lên cầm quyền và năm 1979 cũng là mốc thời gian Hàn Quốc đạt được quy chế một NIC Đông Á theo báo cáo OECD (1979).
3.2.1. Phạm vi nội dung nghiên cứu
Xuất phát từ phạm vi thời gian nghiên cứu, phương pháp tiếp cận khu vực học và thực tế nguồn lực phát triển của Singapore cũng như Hàn Quốc giai đoạn đầu thập niên 1960, luận án tập trung nghiên cứu so sánh về nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, trong đó nguồn lực tài chính đề cập chủ yếu tới nguồn vốn trực tiếp FDI giai đoạn 1961-1979.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Đề tài sử dụng học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, phù hợp với quan điểm và phù hợp với những định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội.
4.2. Phương pháp tiếp cận
Vấn đề nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực con người và nguồn lực tài chính thường được tiếp cận dưới góc độ kinh tế học. Trong luận án này, chúng tôi không tiếp cận vấn đề dưới quan điểm chuyên ngành cụ thể, mà chọn cách tiếp cận liên ngành, trên cơ sở kết hợp tiếp cận theo các ngành khu vực học, sử học, kinh tế học và xã hội học.
Luận án xem xét về một thời kỳ lịch sử (1961-1979), chúng tôi sử dụng phương pháp tiếp cận lịch đại; luận án là một đề tài mang tính nghiên cứu so sánh, chúng tôi cũng áp dụng phương pháp tiếp cận đồng đại. Mặt khác, khi xem xét các đối tượng thuộc phạm trù kinh tế học như tiết kiệm, đầu tư... hoặc các đối tượng thuộc phạm trù xã hội như dân số, thất nghiệp... chúng tôi áp dụng phương pháp thống kê và phân tích định lượng, phân tích SWOT…
4.3. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ quan điểm về phương pháp tiếp cận trên, luận án đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể để thu thập và phân tích thông tin như sau:
- Phương pháp phân tích sử học được tiến hành dựa trên các dữ kiện liên quan đề tài. Cụ thể hơn, luận án tiến hành đánh giá, phân tích cách tiếp cận, huy động và sử dụng các nguồn lực của Singapore và Hàn Quốc qua từng phân kỳ lịch sử trong giai đoạn 1961-1979.
- Phương pháp thống kê và phân tích định lượng cũng được sử dụng trong việc tìm kiếm, phân tích và cung cấp số liệu cần thiết phục vụ đề tài.
- Phương pháp so sánh được sử dụng nhằm phát hiện và làm nổi bật những điểm tương đồng và khác biệt trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực của Singapore và Hàn Quốc. Đặc biệt, thao tác Phân tích SWOT giúp tìm ra những ưu điểm, hạn chế, cơ hội cũng như thách thức trong việc phát triển và sử dụng nguồn lực.
- Phương pháp tham khảo ý kiến chuyên gia được thực hiện ngay từ khi hình thành đề tài nghiên cứu. Phương pháp này sử dụng nhằm một số mục đích sau: (1) Xác định phạm vi và đối tượng nghiên cứu; (2) Tái đánh giá về nội dung, luận cứ và kết quả nghiên cứu.
5. Nguồn tư liệu sử dụng viết luận án
Nguồn tư liệu sử dụng để viết luận án gồm hai nguồn chính là 1) tài liệu lưu trữ, 2) tài liệu tham khảo (các công trình khoa học đã được công bố và thông tin từ báo chí, thông tin tham vấn chuyên gia). Phần lớn các tư liệu này được tác giả thu thập tại Cục lưu trữ Quốc gia, Thư viện của các trường đại học uy tín…Trong quá trình thu thập và tham khảo tài liệu, chúng tôi luôn xem xét đến tính khoa học và độ tin cậy của thông tin cũng như tính logic và khoa học của các lập luận được trình bày ở các tài liệu đó.
6. Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, về mặt lý thuyết, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa nguồn lực phát triển và tăng trưởng kinh tế. Dựa vào hàm sản xuất tân cổ điển có mở rộng biến, mô hình nghiên cứu của luận án được xây dựng gồm các biến: tăng trưởng kinh tế, nguồn lực con người, nguồn vốn đầu tư, có bổ sung biến kiểm soát là độ mở thương mại.
Thứ hai, luận án đã tiến hành phân tích SWOT các cơ sở hoạch định chính sách phát triển của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979. Luận án đã làm rõ được những điểm khác biệt về tầm cỡ lãnh thổ, dân cư, vấn đề lịch sử - dân tộc, kinh nghiệm hội nhập quốc tế...Bên cạnh đó, luận án cũng chỉ ra được những mẫu số chung như lợi thế về vị trí địa lý, cơ cấu dân số, nhận thức và việc vận dụng “các giá trị Châu Á”, đặc biệt là các giá trị quan mang tính tích cực của Khổng giáo trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển của hai quốc gia.
Thứ ba, luận án đã tiến hành phân tích và so sánh một cách có hệ thống và chi tiết về việc triển khai các chính sách đào tạo, sử dụng nguồn lực con người cũng như cách thức thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979.
Thứ tư, trên cơ sở nghiên cứu so sánh và phân tích ưu - nhược điểm trong chính sách phát triển của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979, luận án rút ra một số gợi ý tham khảo cho Việt Nam. Luận án cũng đưa ra những gợi ý cụ thể về chính sách hướng nghiệp và phân luồng nhân lực, thu hút chất xám, thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, vai trò dẫn dắt và can thiệp của Nhà nước trong việc phát triển nguồn vốn đầu tư và con người ở Việt Nam
7. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu & kết luận, nội dung chính của đề tài triển khai gồm 5 chương chính, cụ thể là Chương 1 (Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài); Chương 2 (Cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển của Singapore và Hàn Quốc đầu thập niên 60); Chương 3 (Nguồn lực con người trong quá trình phát triển của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961 - 1979: từ góc độ so sánh); Chương 4 (Nguồn vốn tài chính của Singapore và Hàn Quốc trong giai đoạn 1961-1979: từ góc độ so sánh) và Chương 5 (Đánh giá về nguồn lực phát triển của Singapore và Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979).
(Chi tiết xem file đính kèm)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn