MỞ ĐẦU
1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài
Kể từ khi chế độ Trật Tự Mớisụp đổ năm 1998, cho đến nay Inđônêxia đã bước vào năm thứ 16 của công cuộc cải cách dân chủ (năm 2014). Inđônêxia hiện trở thành một nền dân chủ lớn trên thế giới cũng như ở Đông Nam Á và được xem là một hình mẫu dân chủ cho các nước Islam giáo. Những thành tựu của công cuộc cải cách dân chủ của Inđônêxia đặt ra vấn đề cần tìm hiểu quá trình dân chủ hóa diễn ra ở nước này như thế nào để từ đó có thể tìm kiếm những ngụ ý thực tiễn cho sự phát triển của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những hiểu biết về Inđônêxia còn có ý nghĩa quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Inđônêxia nhất là trong bối cảnh vị thế của Inđônêxia đang ngày càng gia tăng trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, trong khi những nghiên cứu về Inđônêxia học ở Việt Nam còn hạn chế, việc nghiên cứu về quá trình dân chủ hóa ở Inđônêxia có tầm quan trọng cốt lõi như một chìa khóa để hiểu được những thay đổi chính trị - kinh tế - văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở đất nước này. Do đó, nghiên cứu này trực tiếp góp phần phát triển nghiên cứu về Đông Nam Á học nói chung cũng như Inđônêxia học nói riêng ở Việt Nam.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của của luận án này là để: 1) Tìm hiểu quá trình dân chủ hóa và các mô hình dân chủ được vận dụng ở Inđônêxia từ năm 1945 đến nay, 2) Phân tích ảnh hưởng của giai cấp trung lưu và các tổ chức xã hội dân sự đối với quá trình dân chủ hóa và 3) Tìm kiếm những ngụ ý của dân chủ hóa ở Inđônêxia đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của luận án là: (1) các mô hình dân chủ ở Inđônêxia từ 1945 đến nay; (2) giai cấp trung lưu; và (3) các tổ chức xã hội dân sự.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án về mặt không gian đặt tiến trình dân chủ hóa Inđônêxia trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa để xem xét. Về mặt thời gian, quá trình dân chủ hóa ở Inđônêxia được xem xét qua từng giai đoạn biến chuyển của xã hội kể từ khi nước này độc lập (năm 1945) đến hiện nay.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Luận án vận dụng phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khu vực học trong đó có sự kết hợp của phương pháp tiếp cận chính trị học, sử học và nhân học. Để xem xét quan điểm và sự tham gia của các giai tầng xã hội vào quá trình dân chủ hóa, phương pháp tiếp cận chính trị học hàng ngày (everyday politics) được vận dụng trong suốt quá trình nghiên cứu trên thực địa.
Từ quan điểm về phương pháp tiếp cận như trên, luận án đã sử dụng một số kỹ năng nghiên cứu cụ thể để thu thập và phân tích thông tin như sau:
- Các phương pháp quan sát tham gia (participant observation), phỏng vấn sâu (intensive interviews) và điều tra theo bảng hỏi (structured questionnaire) đã được vận dụng trong nhiều đợt nghiên cứu điền dã, bắt đầu từ 2006 đến 2011.
- Song song với các phương pháp thu thập thông tin nói trên, phương pháp phân tích sự kiện và sử liệu theo lịch đại của sử học và phương pháp phân tích chính trị học theo các vấn đề nhà nước, nghị viện, và chế độ bầu cử cũng được vận dụng.
Nguồn tư liệu cho luận án được thu thập từ ba nguồn chính, bao gồm nguồn tài liệu lưu trữ, tài liệu điền dã thực địa, các công trình khoa học và báo chí.
5. Những đóng góp của luận án
5.1. Về lý luận: - Luận án đã khái niệm hóa bốn mô hình dân chủ được các chế độ chính trị và nhà nước Inđônêxia phát triển và vận dụng vào thực tế, những động lực, nguyên nhân thành công và thất bại của các mô hình này qua hai thời kỳ trước và sau cải cách dân chủ năm 1998.
- Luận án đã chỉ ra có sự tương quan chặt chẽ giữa sự hình thành và lớn mạnh của giai cấp trung lưu Inđônêxia và những đòi hỏi về cải cách dân chủ và dân chủ hóa đất nước. Trong thời kỳ trước cải cách kinh tế - xã hội 1998, giai cấp trung lưu Inđônêxia rất nhỏ bé, chỉ chiếm khoảng dưới 17% dân số, và trong suốt thời kỳ đó, sự yếu ớt của tầng lớp này có tác động không nhiều đến đòi hỏi dân chủ hóa. Từ sau cải cách 1998, giai cấp trung lưu đã không ngừng lớn mạnh và thống kê gần đây cho thấy giai cấp trung lưu ở Inđônêxia đã tăng lên gần 61% dân số [Esther Samboh, 2012]. Chính sự lớn mạnh của trung lưu đã dẫn đến những đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ hơn về sự minh bạch hóa trong quản lý đất nước và sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào quá trình phát triển và quản lý đất nước.
- Luận án đã chỉ ra những tác động quan trọng của sự ra đời và lớn mạnh của các tổ chức xã hội dân sự và sự tham gia của các tổ chức này vào quá trình dân chủ hóa ở Inđônêxia. Không chỉ tham gia trực tiếp vào các hoạt động dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự còn góp phần thổi vào đời sống chính trị của đất nước một luồng sinh khí mới, làm tăng tinh thần xã hội dân sự và ý thức người dân về tầm quan trọng của dân chủ hóa.
5.2. Về thực tiễn: Thông qua việc phân tích những đặc điểm, các mặt tích cực và hạn chế của các mô hình dân chủ cũng như vai trò của giai cấp trung lưu và các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình dân chủ hóa đất nước, luận án đã góp phần nâng cao nhận thức về xu thế dân chủ hóa và mối liên hệ giữa phát triển và dân chủ để làm cơ sở cho tầm nhìn dân chủ hóa ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
6. Kết cấu của luận án: Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm có 4 chương:
Chương 1. Tổng quan về nghiên cứu
Chương 2. Quá trình dân chủ hóa ở Inđônêxia
Chương 3. Vai trò của giai cấp trung lưu trong quá trình dân chủ hóa
Chương 4: Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình dân chủ hóa
(Chi tiết xem file đính kèm)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn