Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và hai đơn vị ký kết đều đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học nhân văn, cũng như làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản. Các đại diện đều nhấn mạnh, ngoài các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ giáo dục Việt-Nhật đã và đang phát triển hết sức tốt đẹp. Quan hệ này có nền tảng vững chắc từ mối giao lưu học thuật Việt-Nhật được dày công vun đắp trong hàng thập kỷ bởi các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học đi trước. Trong số này có cố GS. Phan Huy Lê (Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nhật), nhà sử học đã đóng góp rất lớn vào các công trình nghiên cứu có tính khai mở về giao lưu văn hóa trong lịch sử hai nước. Đối với Trường ĐHKHXH&NV và Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu Khoa học Nhân văn Nhật Bản, việc ký kết biên bản hợp tác lần này sẽ là bước đệm để cùng hợp tác, nối tiếp chặng đường còn dang dở của các thế hệ tiền bối.
Sau phát biểu khai mạc, đại diện lãnh đạo hai bên ký kết vào biên bản ghi nhớ, thống nhất triển khai hợp tác giáo dục thông qua các hoạt động trao đổi cán bộ khoa học, nhà nghiên cứu; trao đổi học liệu và cơ sở vật chất; thực hiện các nghiên cứu chung.
Chiều cùng ngày cũng đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác Nhật Bản-Việt Nam về lĩnh vực Khoa học Nhân văn trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa” do Trường ĐHKHXH&NV và NIHU tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản. Hội thảo trình bày, tóm tắt kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học hai bên về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam-Nhật Bản.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo: “Truyền thừa Phật giáo và Văn hóa thư tịch của Việt Nam và Nhật Bản”, “Thực tiễn và triển khai nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam”, “Vai trò của phụ nữ trong phát huy di sản văn hóa: Trường hợp di sản vải chàm Matsusaka”, “Việc học từ vựng tiếng Nhật của người Việt Nam”, “Dòng người di chuyển trong đế quốc Nhật Bản”, “Quá trình cứu trợ và phát huy tư liệu lịch sử văn hóa của các khu vực chịu thiệt hại do thiên tai”, “Thiết kế tương lai (future design) là gì?”, “Kinh đô Thăng Long và thiết kế kinh thành ở khu vực Đông Á”.
Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu Khoa học Nhân văn Nhật Bản (NIHU) được thành lập tháng 4/2004 và là một trong những cơ quan nghiên cứu liên đại học lớn tại Nhật Bản với hơn 300 thành viên. NIHU đề ra sứ mệnh đi đầu trong thúc đẩy nghiên cứu về khoa học con người và xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề trọng yếu của nhân loại trong thế kỷ 21. NIHU đã và đang hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu nhân văn với 17 đối tác trên toàn cầu. Mạng lưới bao gồm 6 cơ quan trực thuộc: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia, Viện Văn học Quốc gia, Viện Nghiên cứu Quốc ngữ, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Tổng hợp Môi trường Địa cầu.
Nguồn tin: ussh.vnu.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn