Phạm Thị Minh Thúy
K60, Nhật Bản học,
Đông Phương học, ĐHKHXHNV-ĐHQGHN
Nội dung báo cáo gồm 3 chương.
Chương I: Khái quát về kintsugi
1.1 Khái niệm
Sau khi tổng hợp nhiều tài liệu khác nhau, tác giả báo cáo đã đưa ra khái niệm kintsugi. kintsugi金継ぎhay kintsukuroi金繕いlà một kỹ thuật thủ công truyền thống của Nhật Bản, dùng sơn urushi làm chất kết dính chính, kết hợp với bột vàng, bạc, thiếc…, để hàn gắn và trang trí lại các đồ gốm sứ bị nứt, vỡ nhưng không che dấu các vết hàn gắn. Nhờ đó, đồ gốm sứ không chỉ giữ được giá trị sử dụng, vẻ đẹp vốn có, mà còn được gia tăng giá trị, được “cá tính hóa” nhờ phản ánh lịch sử biến đổi riêng của nó.
Sơn urushi漆thuộc giốngsơn ta, là một loại cây lá rụng vốn được trồng nhiều ở vùng Trung Á, được truyền qua Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản từ thời cổ đại. Sơn được chiết xuất từ nhựa cây và được sử dụng phổ biến trong kỹ thuật sơn mài, điêu khắc, kintsugi…
Maki-e蒔絵 là một kĩ thuật thủ công dùng sơn urushi kết hợp với bột kim loại quí như vàng, bạc, thiếc…, để trang trí đồ sơn mài của Nhật Bản. Ngoài ra, maki-e còn được dùng như kĩ thuật bổ trợ để tạo điểm nhấn trong điêu khắc, kintsugi .
1.2 Lịch sử hình thành và phát triển
Việc sử dụng sơn urushi để gắn kết đồ gốm và đất nung đã xuất hiện trong các di vật thời Jomon. Đây chính là tiền thân của kỹ thuật kintsugi .Kintsugi chính thức được hình thành cùng với sựhưng thịnh của Trà đạo thời kì Muromachi. Tướng quân Ashikaga Yoshimasa (足利義政, 1436-1490)là người có vai trò thúc đẩy kỹ thuậtkintsugi khi yêu cầu sửa lại chiếc chén trà yêu thích bị vỡ . Trong thời Edo, nghệ thuật hàn gắnkintsugi được kết hợp với kĩ thuật maki-e và các nghệ nhân chuyên nghiệp trong lĩnh vực này bắt đầu được công nhận .
Chương II: Quy trình thực hiện kintsugi
2.1 Chuẩn bị nguyên liệu
2.1.1 Chuẩn bị các loại sơn urushi cần thiết
Sơn urushi dùng làm thành phần chính của chất kết dính sử dụng trong kintsugi là sơn urushi khô. Từ sơn urushi khô, để có được dung dịch urushi sử dụng trong kintsugi, người ta phải pha chế urushi khô bằng dung môi là dầu hỏa. Từ đó, tùy theo các công đoạn kintsugi cần thiết, người ta pha chế tạo nên các loại urushi chuyên dụng cần thiết.
Bảng 1: Các loại urushi tương ứng với các công đoạn của kintsugi
Tên gọi Đặc điểm Thành phần Cách pha chế Cách sử dụng trong quá trình gắn kintsugi
Sơn làm cứng ( 固め漆, gatame urushi) Sơn ở trạng thái dung dịch để quết lên chỗ nứt vỡ hoặc ngâm đồ gốm sứ bị nứt vỡ nhằm làm cứng vết nứt vỡ, chuẩn bị cho công đoạn gắn kết. Sơn urushi khô trộn với dầu hỏa Sơn urushi: dầu hỏa = 1:1 Sau khi làm sạch chỗ cần hàn gắn, dùng cọ quét sơn làm cứng vào chỗ cần hàn gắn, dùng giấy mềm lau sạch sơn thừa.
Sơn kết dính (接着の漆, secchaku no urushi) Sơn ở trạng thái dẻo sền sệt, còn gọi là "Sơn urushi lúa mạch" được tạo ra để kết dính. Nhờ tác dụng đồng bộ của gluten (protein của lúa mỳ), sơn gia tăng tính kết dính và độ mịn trên bề mặt. Sơn urushi, dầu hỏa, nước và bột lúa mỳ Sơn urushi : dầu hỏa : nước : bột lúa mỳ = 1:1:1:1 Dùng chổi quết lên bề mặt phần nứt vỡ và gắn chặt lại, giữ nguyên trong vòng 1giờ.
Sơn chỉnh hình (成形の漆, seikei no urushi) Sơn ở trạng thái sền sệt do được trộn bột gạo và bột đất sét đã nung và được nghiền nhỏ. So với sơn kết dính sơn tạo hình cứng do các góc cạnh của bột đất sét. Loại sơn này chuyển sang trạng thái cứng nhanh. Sơn urushi, dầu hỏa, bột gạo ẩm, bột đất sét. Sơn urushi : dầu hỏa : bột gạo ẩm : bột đất sét = 5:5:9:9 Dùng dao chét vào những chỗ sứt mẻ nhỏ ở mép đồ gốm sứ.
Sơn làm đầy (埋め漆, ume urushi) Sơn ở trạng thái dẻo, mịn, do được trộn với bột mịn (chuyên dùng để đánh bóng bề mặt), và đất sét. Sơn urushi, dầu hỏa, bột đánh bóng, đất sét. Sơn urushi : dầu hỏa : bột đánh bóng : đất sét = 1:1:1:1 Dùng dao lấy từng lượng nhỏ lấp đầy vết nứt,những chỗ lồi lõm, rãnh… trên bề mặt đồ gốm sứ.
Sơn tạo nền (下地の漆, shitaji no urushi) Sơn ở trạng thái dẻo, được dùng để tạo bề mặttrơn chu cho những phần sẽ phủ bột kim loại. Sơn urushi, dầu hỏa, nước, bột đánh bóng. Sơn urushi: dầu hỏa : nước : bột đánh bóng = 2:2:5 Dùng dao chét từng lượng sơn nhỏ trên bề mặt chưa đều của những phần sẽ phủ bột kim loại.
Sơn tạo độ bám cho bột kim loại (塗り漆, nuri urushi) Sơn có độ mịn và dẻo cao, được pha màu phù hợp với màu sắc trang trí ở chỗ sử dụng. Sơn urushi pha dầu hỏa,bột màu. Sơn urushi: dầu hỏa : bột màu = 1:1:2 Chét lên phần cần trang trí bằng bột kim loại trước khi rắc bột kim loại
Bảng do tác giả nghiên cứu tự lập dựa theo thông tin của
“Nhập môn kintsugi từ zero - Hồi sinh đồ vật”
2.1.2Chuẩn bị bột kim loại: bột vàng, bạc, thiếc…. kích cỡ nhỏ từ 0,3µm-3µm, hình dạng tròn, dẹt, dễ tán và dễ đánh bóng.
2.2 Dụng cụ
Ảnh 1: Dụng cụ và nguyên liệu chính sử dụng trong kintsugi
Nguồn ảnh: 金継ぎ図書館 – Thư viện kintsugi, http://hatoya-f.com/kintsugi-world-exposition/ truy cập ngày 12/12/2017
Chú thích:
(1) Rượu
(2) - (4) Bột kim loại
(5) Tấm kính
(6) Thanh chét
(7) Ống rắc bột
(8) Thanh nhào
(10) – (11) Cọ lông
(9) Dao cắt
(12) Găng tay cao su
(13) Giấy thấm nước
(14) Sơn urushi thô
2.3 Phân loại trạng thái vỡ của đồ gốm sứ để xác định phương pháp gắn
Bảng 2: Phân loại trạng thái vỡ của đồ gốm sứ
Trạng thái vỡ Đặc điểm Hình ảnh
Nứt (Hibi, hoặc hibiware, ひび割れ) Trạng thái nứt được chia thành vết rạn nhỏ gọi là nyuu (にゅう) và vết nứt rõ gọi là hotsure (ほつれ).
Kake (欠け) Những chỗ mẻ hay những vết lủng trên bề mặt đồ gốm, khi mà một mảnh gốm thay thế không có sẵn.
Ware (割れ) Trạng thái vỡ thành các mảnh rời rạc (<70% đồ gốm sứ ở trạng thái ban đầu bị vỡ thì có thể kintsugi )
Phức hợp nhiều hư tổn Đồ gốm bao gồm nhiều yếu tố phá vỡ ở trên như vừa nứt, vỡ, sứt mẻ…
Ware và hibi
Bảng do tác giả nghiên cứu tự lập dựa vào cuốn sách “Nhập môn kintsugi từ zero”
Nguồn ảnh: Thư viện kintsugi
2.4 Quy trình gắn bằng phương pháp kintsugi
Chuẩn bị đồ gốm trước khi kintsugi: Bọc trong một chiếc khăn và đặt trong một nồi lớn, 30 - 60 phút đun nhỏ lửa, đặt vào khay và để khô.
Tùy vào trạng thái vỡ (như trong bảng 2) người ta xác định phương pháp gắn phù hợp được gọi tên theo chính trạng thái vỡ đó. Tuy mỗi phương pháp có những đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung đều tuân theo qui trình chuẩn, trong đó có thể bỏ qua vài bước. Dưới đây là bảng tổng hợp về quy trình gắn kết kintsugi.
Bảng 3: Quy trình gắn bằng phương pháp kintsugi
Bảng do tác giả nghiên cứu tự lập dựa vào thông tin từ
“Nhập môn kintsugi từ zero – Hồi sinh đồ vật”
Chương III: Ý nghĩa và ảnh hưởng của kintsugi
3.1 Nhân sinh quan của người Nhật thể hiện qua kintsugi
kintsugi không chỉ là một kỹ thuật hay một nghề truyền thống, mà còn là biểu biện của nhân sinh quan và quan niệm thẩm mỹ của người Nhật. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Herbert F. Johnson đã nhận định rằng quan niệm wabi sabi (侘寂) và mushin (無心) được thể hiện rõ nét nhất qua kintsugi .
Wabi sabi là một thuật ngữ đại diện cho thẩm mỹ Nhật Bản và một thế giới quan của văn hoá Nhật Bản, tập trung vào việc chấp nhận tính phù du và sự không hoàn hảo .
Mushin chỉ thái độ bình thản trước những điều kiện thay đổi, những thăng trầm của thời gian
Như vậy, đối diện với những đổ vỡ về cả vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống, mỗi người có thể tự lựa chọn cho mình cách giải quyết, che giấu đi những tổn thương và vết sẹo, hay theo triết lý kintsugi sửa chữa và làm cho nó trở thành nét đẹp riêng biệt của bản thân.Những đồ vật bị nứt vỡ, bị sẹo vẫn có vẻ đẹp của nó. Đằng sau những tổn thương và rạn nứt là cả một câu chuyện, và chính điều đó làm bản thân con người trở nên đẹp hơn.
3.2Vai trò của kintsugi trong đời sống của người Nhật Bản
Theo tác giả báo cáo tìm hiểu, kintsugi có nhiều vai trò đối với cuộc sống sinh hoạt của người Nhật, tinh thần của người Nhật và đối với một số ngành kinh tế.
Trong sinh hoạt, đồ dùng kintsugi là những vật dụng sinh hoạt hữu ích và tiết kiệm. Nhờ kintsugi mà người ta có thể điểm tô cho ngôi nhà của mình thêm đẹp. Những đồ gốm sứ kintsugi dù được gắn vàng quý giá nhưng cũng là những vật dụng sinh hoạt mộc mạc gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người Nhật.
Về mặt tinh thần, người Nhật đã mang đến chúng ta bài học: Thất bại ban đầu không đồng nghĩa với sự vô dụng mãi mãi. Chúng ta, bằng chính nỗ lực của bản thân sẽ vượt qua và thu được kết quả còn tuyệt vời hơn. kintsugi dần vượt ra khỏi khuôn khổ nghệ thuật để trở thành cách sống, cách suy nghĩ của người dân Nhật Bản.
Với giá trị cao và được ứng dụng nhiều về mặt nghệ thuật, kintsugi còn có giá trị về mặt kinh tế. Ở Nhật các cơ sở nghề thủ công kintsugi đã và đang đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp. Những sản phẩm của họ được coi như một mặt hàng kinh doanh và được quảng cáo cũng như đăng bán bằng nhiều hình thức. Và tất nhiên người mua không thể chê vào đâu được bởi sự tỉ mỉ được thể hiện từ cách bán, cách làm đến sản phẩm mà có thể tìm kiếm dễ dàng trên internet. Giá của một đồ gốm sứ thường tăng gấp đôi sau khi được gắn bằng phương pháp kintsugi. Có khá nhiều thợ thủ công kintsugi đã mở nhiều lớp dạy nghề và ngoài việc truyền bá thì họ cũng thu lại lợi nhuận. Có nhiều nghề liên quan đến kintsugi cũng được phát triển như cung cấp nguyên liệu, dụng cụ, buôn bán đồ cũ…
3.3. Ảnh hưởng của kintsugi ngoài Nhật Bản
Không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa và lối sống con người Nhật Bản, kintsugi còn có ảnh hưởng đến nhiều cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ở các nước khác như Việt Nam, Ấn Độ, Anh, Pháp…Các nghệ nhân trẻ như Phan Thị Cẩm Tú (Việt Nam), Maddie Kelly (Ấn Độ), Audrey Harris (Pháp), Charlotte Bailey (Anh), … đã ghi nhận dấu ấn ảnh hưởng của kintsugi đối với sáng tác của họ.
Tác giả báo cáo cho rằng việc kintsugi có thể ảnh hưởng ra nước ngoài trong giai đoạn cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI là do sự thay đổi trong nhận thức của con người về giá trị của đồ vật và ảnh hưởng đối với môi trường. Sau thời kì kinh tế no đủ khiến con người dường như dễ dàng bỏ đi những đồ vật cũ, hỏng. Tình trạng kinh tế suy thoái từ thập niên 1990 và tác hại của việc khai thác môi trường thái quá đã khiến làn sóng “coi trọng đồ vật”, “tiết kiệm trong tiêu dùng”, “tái chế”… trở nên mạnh mẽ. Đây chính là lúc những giá trị nhân sinh thể hiện trong kintsugi được đề cao.
Kết luận
Khi người Nhật sửa chữa đồ vật bị vỡ, họ trang điểm cho sự hư hại bằng cách dùng vàng để lấp đầy các vết nứt. kintsugi là một nghề truyền thống chứa đựng trong đó là cả triết lý sống, phong cách sống của con người Nhật Bản. Khi thực hiện kintsugi, người nghệ nhân cần tuân thủ nhiều công đoạn phức tạp trong những điều kiện đặc thù đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Kỹ thuật kintsugi không chỉ trả lại cho đồ gốm sứ giá trị sử dụng, vẻ đẹp vốn có mà còn tạo ra giá trị mới mang “cá tính” cho đồ vật bởi nó phản ánh câu chuyện riêng của đồ vật đó, thông qua vẻ đẹp của chính những vết nứt độc đáo đã đươc hàn gắn khéo léo.
Kintsugi không bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại của thế kỉ XXI bởi nó phản ánh “tính người” trong đời sống đang bị chi phối bởi “kỹ thuật số”, “trí tuệ nhân tạo”. Kintsugi nhắc nhở chúng ta về giá trị của đồ vật, của quá khứ, về việc chấp nhận những thương tổn và cách vượt qua nó, nhìn nhận sự hiện diện của nó trên cơ thể hay trong tâm trí mỗi người. Nhờ vậy, kintsugi không chỉ có ảnh hưởng đến tư tưởng lối sống của người Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn