Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình, dòng họ có truyền thống văn hiến với nhiều nhà văn hóa lớn như Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú. Họ ngoại của giáo sư cũng là một dòng họ lớn, có nhiều người hiển đạt như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy...
Được kế thừa truyền thống yêu nước và văn hóa của dòng họ và gia đình, ngay từ thời niên thiếu, Giáo sư Phan Huy Lê đã sớm bộc lộ tư chất thông minh và hiếu học. Năm 1951 khi mới 17 tuổi, ông ra học dự bị đại học ở Thanh Hóa, rồi vào học Ban Sử - Địa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, ông được cử về công tác tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dưới sự chỉ bảo và dìu dắt của những nhà cách mạng, những nhà văn hóa lớn của đất nước lúc bấy giờ như các giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh...nhà giáo trẻ Phan Huy Lê đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành thế hệ cán bộ đầu tiên, lớp người có công xây nền đắp móng của Khoa Lịch sử và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Kể từ khi về công tác ở Khoa (năm 1956) cho đến hôm nay, Giáo sư Phan Huy Lê đã có gần 60 năm không ngừng nghỉ nghiên cứu, giảng dạy và gắn bó với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách của trường, Thầy vẫn tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển giáo dục và khoa học; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng như trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. Bằng những thành tựu xuất sắc của mình trong nghiên cứu và đào tạo, Thầy cùng với các thầy Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đã tạo dựng nên trường phái Sử học “Tổng hợp”, một huyền thoại về “Tứ trụ”: Lâm – Lê – Tấn – Vượng. Huyền thoại đó đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội hiện nay, mà còn của cả giới sử học nước nhà.
Là một trong những đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại, Giáo sư Phan Huy Lê đã có những đóng góp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau từ lịch sử kinh tế, truyền thống yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm đến đặc điểm của nền văn hóa dân tộc...
Công trình chuyên khảo lớn đầu tiên của Thầy là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ được hoàn thành và xuất bản vào năm 1959 khi Thầy mới 25 tuổi. Cuốn sách đó đến nay vẫn là một công tình khảo cứu có giá trị khoa học cao, tính thời sự đối với bất kỳ ai khi nghiên cứu về lịch sử ruộng đất và kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, với vai trò người tổ chức, đề xuất các mục tiêu, ý tưởng nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật hiện đại trong khai thác nguồn tài liệu địa bạ, Thầy đã có nhiều phát hiện mới mẻ, không chỉ về vấn đề ruộng đất, mà là toàn bộ xã hội nông thôn Việt Nam vào cuối thời trung đại, mở ra một hướng đi mới, một cách tiếp cận mới trong khai thác nguồn tài liệu hết sức phong phú và có giá trị đặc biệt này.
Từ những năm 1980, Thầy đi sâu nghiên cứu các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ truyền thống yêu nước đến đặc điểm của con người, văn hóa Việt Nam; trên cơ sở đó khẳng định Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là giá trị truyền thống cốt lõi, tiêu biểu và nổi bật nhất của dân tộc ta, là cội nguồn, động lực và quy luật vận động và phát triển của lịch sử Việt Nam trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước.
Tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng Giáo sư Phan Huy Lê rất yêu Hà Nội và đã quan tâm nghiên cứu về Hà Nội từ rất sớm. Giáo sư đã công bố nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về lịch sử Thăng Long – Hà Nội, cũng như trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa của kinh đô Thăng Long – Hà Nội.
Giáo sư cũng là người chủ trì và đã tổ chức thành công Đề án nghiên cứu cấp nhà nước về lịch sử và văn hóa vùng đất Nam bộ. Kết quả của Đề án này không chỉ có ý nghĩa khoa học nhằm cung cấp những nhận thức mới, khoa học về cội nguồn lịch sử vùng đất Nam bộ mà còn góp phần khắc phục những nhận thức sai lầm, lệch lạc về quá trình hình thành và vai trò của vùng đất này trong lịch sử Việt Nam.
Là một nhà giáo, nhà sư phạm mẫu mực, Thầy rất chăm lo và đã có công rất lớn trong việc đào tạo các thế hệ những người làm Sử, nhất là đã có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh trên cả phương diện học thuật và nhân cách. Thầy đã trực tiếp đào tạo và góp phần đào tạo nên nhiều giáo viên tài năng, nhà khoa học, sử học, nhà quản lý giỏi ở trung ương và các địa phương. Ở Thầy, phong cách cẩn trọng, nghiêm túc của một nhà khoa học được hòa quyện một cách tự nhiên với tính cách độ lượng, nhân hậu, vị tha của một nhà sư phạm đức độ và tài năng, luôn gần gũi, tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ ý kiến một cách chân thành với các đồng nghiệp, học trò.
Thầy là người đi tiên phong trong việc đề xuất xây dựng và phát triển những ngành khoa học mới như Đông phương học và Việt Nam học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Với tư cách là Chủ nhiệm Khoa đầu tiên của Khoa Đông Phương học; là người sáng lập và Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam, nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Phan Huy Lê đã có những đóng góp quan trọng và to lớn trong việc thiết lập và thúc đẩy quan hệ giao lưu học thuật giữa các học giả Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế trong những năm đầu đất nước đổi mới và hội nhập.
Không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu được học trò, đồng nghiệp và giới khoa học trong nước mến phục và kính trọng, Giáo sư Phan Huy Lê còn có uy tín và ảnh hưởng quốc tế rộng lớn, được giới Việt Nam học thế giới quý mến và đặc biệt tin cậy. Giáo sư là một trong số rất hiếm học giả người Việt Nam được trao Giải thưởng Fukuoda danh giá của Nhật Bản, được nhận giải thưởng Cành cọ Hàn Lâm và được bầu làm Viện sĩ thông tấn của Viện Văn khắc và Mĩ văn của Viện Hàn lâmPháp.
Những thành công trong sự nghiệp của Thầy trong gần 6 thập kỷ qua luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đồng nghiệp, của học trò và sự đóng góp quan trọng của gia đình. Bên cạnh Thầy và cùng với Thầy trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy luôn có sự sẻ chia và đóng góp thầm lặng của người bạn đời của Thầy là nhà giáo Hoàng Như Lan và những người con (PGS.TS sử học Phan Phương Thảo, TS sử học Phan Hải Linh), người cháu (ThS sử học Phạm Lê Huy) đang tiếp nối một cách xuất sắc sự nghiệp của Thầy. Đó cũng là thành công và một truyền thống rất đáng tự hào của một gia đình trí thức tiêu biểu, mẫu mực.
Nhân dịp Giáo sư “Bát tuần đại khánh”, một lần nữa, xin được bày tỏ tình cảm yêu quý, kính trọng và lòng tri ân sâu sắc đối với công lao và những đóng góp hết sức to lớn của Thầy đối với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội. Xin kính chúc Thầy, Cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, trường thọ và tiếp tục có những đóng góp vào sự phát triển của Nhà trường, của nền khoa học và giáo dục nước nhà.
Theo ussh.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn