Hội nghị tổng kết hoạt động Chương trình hạt giống Hàn Quốc học (Hanoi USSH - AKS Seed Program for Korean Studies) lần thứ hai 

Thứ năm - 17/10/2024 20:52
Vào ngày 16 tháng 10 năm 2024, Hội nghị tổng kết hoạt động của Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học (Hanoi USSH - AKS Seed Program for Korean Studies) năm thứ hai đã được tổ chức với sự tham gia của các thành viên của dự án thông qua hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Tham dự hội nghị có TS. Lê Thị Thu Giang (Trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) - Chủ nhiệm dự án; TS. Lưu Tuấn Anh (Chủ nhiệm Bộ môn Hàn Quốc học) - Trưởng Ban Chuyên môn dự án cùng các thành viên khác và đại diện của Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS). 
 

Tổng kết các hoạt động của Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học năm thứ hai
Nối tiếp thành công từ năm đầu tiên, trong năm thứ hai triển khai, dự án đã tổ chức thành công nhiều tọa đàm khoa học, chương trình bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa dành cho học sinh trung học tại nhiều tỉnh thành tại khu vực phía Bắc. 
Tọa đàm khoa học sôi nổi, gợi mở về Hàn Quốc học
Trong năm thứ hai, dự án đã tổ chức thành công 2 tọa đàm khoa học: “Những vấn đề kinh tế - xã hội Hàn Quốc dưới góc nhìn của sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học (dành cho sinh viên)” vào ngày 05 tháng 4 năm 2024 với 7 báo cáo của các sinh viên đến từ 3 trường đại học và Tọa đàm “Những thành tựu mới trong nghiên cứu Hàn Quốc học ở Việt Nam: Gợi mở hướng tiếp cận đa chiều cho nghiên cứu sinh” vào ngày 22 tháng 8 năm 2024 với 2 báo cáo của nghiên cứu sinh tiêu biểu. 

Các tọa đàm đã diễn ra trong không khí học thuật rất sôi nổi, thu hút nhiều sinh viên, học viên cao học có hướng nghiên cứu liên quan đến Hàn Quốc học trao đổi và thảo luận. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng cao, gợi mở thêm cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hướng khai thác chủ đề đa chiều, sắc bén. 

Chương trình bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa đa dạng, đề cao tính trải nghiệm
Song song với các tọa đàm khoa học, Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học năm thứ hai đã tổ chức thành công 2 chương trình bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa cho học sinh trung học với các chủ đề, hoạt động đa dạng liên quan đến lịch sử, văn hóa, ẩm thực, Hanbok, trò chơi dân gian Hàn Quốc.... 

Chương trình “Bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hoá Hàn Quốc dành cho học sinh THPT” lần thứ hai đã được diễn ra vào ngày 06 tháng 4 năm 2024 tại Trường Đại học Hạ Long, thu hút hơn 200 học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tham gia. Trong khi đó, chương trình “Bài giảng chuyên đề và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho học sinh THPT” lần thứ ba đã được diễn ra tại trường THPT Trung Giã, Sóc Sơn và ghi nhận các con số ấn tượng như: Phần bài giảng chuyên đề của chương trình đã thu hút 120 học sinh dự thính và có 256 học sinh tham gia trải nghiệm trực tiếp văn hóa Hàn Quốc.

Các hoạt động khác của chương trình 
Bên cạnh đó, Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học năm thứ hai cũng tiếp tục triển khai các hoạt động như trao học bổng cho 01 sinh viên và 02 học viên cao học có thành tích học tập xuất sắc, có đề tài nghiên cứu liên quan đến Hàn Quốc học. Các sinh viên, học viên đã được tạo điều kiện để khuyến khích học tập, nghiên cứu, đồng thời chính các bạn cũng có những hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của dự án thông qua hỗ trợ công tác truyền thông, hậu cần.
Tại Hội nghị, cuốn sách chuyên khảo Hàn Quốc học “Quan hệ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc” do TS. Lê Thị Thu Giang biên soạn được giới thiệu. Đây là tài liệu có ý nghĩa có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Hàn Quốc học và mối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc nói chung và Việt Nam-Hàn Quốc nói riêng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa phương hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Cũng trong năm thứ hai, TS. Nguyễn Thủy Giang (Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) - thành viên của dự án đã biên soạn 1 môn học mới dành cho học viên cao học với tên gọi “Ngoại giao văn hóa Hàn Quốc - ASEAN”. Bài giảng hướng tới cung cấp cái nhìn sâu sắc về vai trò của chiến lược ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN, giúp người học hiểu rõ hơn về cách văn hóa được sử dụng như một công cụ thúc đẩy quan hệ quốc tế. Đồng thời, bài giảng tạo cơ hội cho các học giả và sinh viên nghiên cứu liên ngành, kết nối giữa Hàn Quốc học và Đông Nam Á học, từ đó mở rộng phạm vi tiếp cận khoa học. 

Ngoài ra, các hoạt động trong khuôn khổ dự án không chỉ diễn ra ở cấp trường mà còn có sự phối hợp với một số đơn vị đào tạo Hàn Quốc học và ngôn ngữ Hàn Quốc tại miền Bắc như Trường Đại học Hạ Long và Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Qua đó, Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học đã góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại miền Bắc nói riêng và trên toàn Việt Nam nói chung.

Kỳ vọng phát triển dự án trong năm thứ ba theo hướng mở, đa dạng hoạt động
Cũng tại Hội nghị, kế hoạch về các hoạt động trong năm thứ ba của Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học đã được trình bày. 
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đã được triển khai trong hai năm qua, dự án đặt mục tiêu tổ chức thêm hội thảo khoa học quốc tế về Hàn Quốc học. Đây sẽ là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu học thuật về Hàn Quốc học giữa các học giả đến từ nhiều quốc gia. Đồng thời, hội thảo sẽ góp phần mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, tạo nền tảng cho các dự án nghiên cứu liên ngành - hướng nghiên cứu đang ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ.
Chương trình Hạt giống Hàn Quốc học năm thứ ba hứa hẹn sẽ trở thành dự án học thuật có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây