Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học – Một yêu cầu cấp bách hiện nay

Thứ tư - 08/11/2017 00:00
Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học – Một yêu cầu cấp bách hiện nay
Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học – Một yêu cầu cấp bách hiện nay

1. Thực trạng giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học

Chương trình giáo dục pháp luật chính khóa hiện nay, có học phần pháp luật đại cương hoặc các học phần liên quan đến pháp luật. Bên cạnh việc triển khai giảng dạy các kiến thức pháp luật đại cương, một số trường đại học đã đưa các nội dung pháp luật chuyên ngành vào chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn ngành nghề như Luật Kinh tế, Luật Xây dựng… Cùng với quá trình đổi mới giáo dục đại học, thì hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục chính khóa tại các trường đại học trong thời gian qua đã có những thay đổi theo hướng đa dạng hóa và chuyển dần từ truyền thụ một chiều sang phát huy tính tích cực của sinh viên. Nhiều giảng viên đã đưa ra những tình huống cụ thể và sáng tạo những phương pháp mới nhằm tăng cường tính tích cực, sáng tạo của sinh viên trong học tập, tạo hứng thú và nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật. Bên cạnh những mặt mạnh như trên, thì hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật chính khóa trong các trường đại học còn một số hạn chế như chưa phù hợp, chưa kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức pháp luật với việc hình thành kỹ năng, hành vi và thói quen pháp luật cũng như kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi của sinh viên. Đặc biệt, còn thiếu phương thức hướng dẫn sinh viên rèn luyện, tu dưỡng nhân cách theo những chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Mặc dù, trong thời gian qua phương pháp giảng dạy pháp luật trong các trường đại học đã có những thay đổi, tuy nhiên, phương pháp giảng dạy tương tác hai chiều kiểu thảo luận, tranh luận nêu các tình huống pháp luật thực tế còn ít được vận dụng, chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, truyền thụ một chiều, thụ động. Một số giảng viên chưa tính đến các quy luật nhận thức và điều kiện phát triển của sinh viên trong hoạt động giáo dục, thiếu sự quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của các em, nên chưa chú trọng đến giáo dục những chuẩn mực cần thiết và những kỹ năng quan trọng trong đời sống xã hội. 
Ngoài việc đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình chính khóa là hết sức khó khăn do phải đảm bảo chương trình, thời lượng, thì việc thực hiện giáo dục pháp luật thông qua chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa có vai trò rất quan trọng và rất cần thiết trong giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Chương trình giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoại khóa chủ yếu được thực hiện thông qua các hình thức thảo luận, tọa đàm về các nội dung, các đề tài pháp luật; tổ chức nghe, nói chuyện chuyên đề pháp luật, xem phim, xem tiểu phẩm; tổ chức đi thực tế, dự phiên tòa; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, thi văn nghệ với chủ đề pháp luật, tổ chức giao lưu giữa các trường, các khoa, các lớp; thành lập các câu lạc bộ pháp luật, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề pháp luật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng; tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật... Có thể nói, mặc dù các trường đại học đã chú trọng đến việc giáo dục pháp luật ngoại khóa cho sinh viên, tuy nhiên thực tế việc sinh viên tham gia vào các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa còn hạn chế, do tâm lý sinh viên coi đây là hoạt động phụ, tham gia cũng được không tham gia cũng được, bên cạnh đó hình thức, nội dung còn đơn điệu thiếu hấp dẫn.
Về đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật trong các trường đại học, bên cạnh những mặt mạnh, thì vẫn còn thiếu về số lượng và chưa được chuẩn hóa về mặt chất lượng. Nhiều giảng viên giảng dạy pháp luật không được đào tạo đúng chuyên ngành. Trong tổng số 102 trường đại học được thống kê với 957 giảng viên pháp luật, chỉ có 567 giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành chiếm tỷ lệ 59,2%[1]. 
Về cơ bản, sinh viên các trường đại học đã được học thì đều hiểu biết về pháp luật. Đại bộ phận sinh viên có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của các nhà trường, thực hiện tốt các quy tắc và lối sống công cộng, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội nghiêm trọng làm cho cả xã hội phải quan tâm, lo lắng. Qua điều tra 1.211 phạm nhân đã thành án trong các trại giam do Bộ Công an quản lý, có 0,57% là sinh viên[2]. Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy tỷ lệ giữa số học sinh, sinh viên bị khởi tố hình sự hàng năm trong cả nước luôn chiếm từ 0,54% đến 0,66% số lượng các vụ án[3]. Con số này tuy rất thấp nhưng cũng là điều đáng phải quan tâm. Bởi vì học sinh, sinh viên là những thanh niên được giáo dục và có trình độ nhận thức nhất định, sẽ là những người có vị trí quan trọng trong xã hội, vì vậy, họ phải tu dưỡng và làm gương cho thế hệ trẻ noi theo. 
2. Giải pháp giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học 
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy giáo dục và giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Các trường đại học phải nhận thức toàn diện, đúng đắn và tích cực hơn về vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật cho sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành có liên quan cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định phải giảng dạy môn pháp luật đại cương trong chương trình chính khóa với số lượng là 60 tiết trong tất cả các chương trình đào tạo đại học các ngành và giảng dạy môn pháp luật chuyên ngành phù hợp với từng ngành đào tạo tối thiểu với thời lượng 45 tiết.
Thứ ba, chuẩn hóa nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy pháp luật chính khóa. Nội dung, chương trình giáo dục pháp luật chính khóa trong các trường đại học phải đảm bảo phục vụ mục tiêu giáo dục đại học, thể hiện được tính liên tục, hệ thống và có kế thừa, đảm bảo tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa giáo dục pháp luật với giáo dục chuyên môn nghề nghiệp. 
Thứ tư, đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng giảm số giờ giảng lý thuyết, tăng cường số giờ thảo luận và tự học của sinh viên, các trường đại học cần thay đổi cách thức đào tạo một cách cơ bản, đào tạo theo hình thức tín chỉ. Các lớp học cần được tổ chức lại khoảng từ 40 sinh viên trở xuống.
Thứ năm, xây dựng chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa và đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa. Giáo dục pháp luật ngoại khóa có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giảng dạy chính khóa, kịp thời cập nhật thông tin và tác động trực tiếp đến tình cảm, thái độ của sinh viên. Chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa cần đa dạng hóa các hình thức như tổ chức các báo cáo chuyên đề, thi tìm hiểu về pháp luật, lồng ghép pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các hoạt động sinh viên tình nguyện tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Thứ sáu, nâng cao chất lượng giảng viên giảng dạy pháp luật trong các trường đại học không chuyên luật. Giảng viên giảng dạy pháp luật cần phải được đào tạo tốt cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy; đảm bảo tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. 
Thứ bảy, tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học là công việc chủ yếu của các trường đại học, đặc biệt là của các giảng viên, đồng thời là trách nhiệm của ngành giáo dục và các ngành có liên quan. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành các cấp phải tổ chức hỗ trợ, ủng hộ và tạo điều kiện cho công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây