Thời đại số không ngừng thay đổi và phát triển, trí tuệ nhân tạo đã trở nên vô cùng phổ biến, mạng xã hội tạo cơ hội cho chúng ta được tiếp nhận thông tin mỗi ngày. Đánh giá mức độ, thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam, theo ghi nhận vào tháng 02/2025, Việt Nam có 79,8 triệu người dùng internet, chiếm 78,8% tổng dân số (101 triệu người). So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người dùng internet đã tăng thêm 0,3% (223.000 người). Chính đặc điểm này lại đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thông tin và đặc biệt là việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới. Sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin đã đem đến người dân các kênh thông tin với mục đích truyền tải và phục vụ cho quá trình tiếp nhận thông tin liên quan tới tư tưởng của Đảng như thông tấn xã của Chính phủ hay Nhà nước như các fanpage Thông tấn xã Việt Nam, các trang của Đảng bộ các cấp,...Điều đó giúp thông tin tới người dân một cách kịp thời. Bên cạnh đó, có không ít những trang web, hội nhóm lập ra với mục đích xuyên tạc hay quy chụp bản chất của Đảng, từ đó làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Không gian mạng là 'ngôi nhà chung' của cộng đồng xã hội, nơi mọi tư tưởng, quan điểm được lan tỏa với tốc độ nhanh chóng. Trong môi trường ấy, mỗi cá nhân không chỉ là người tiếp nhận mà còn là chủ thể lan tỏa thông tin, vì vậy dễ bị chi phối, dẫn dắt bởi các quan điểm sai trái, thù địch. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với việc giữ gìn và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khi các thế lực phản động không ngừng lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta."
Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tháng 12/2021): “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề sống còn của Đảng ta, của chế độ ta; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam.”. Phát biểu này không chỉ là lời hiệu triệu mà còn là lời khẳng định đanh thép về tầm quan trọng tuyệt đối của việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng – yếu tố then chốt quyết định đến sự bền vững của Đảng, của Nhà nước và của cả dân tộc. Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là hệ thống lý luận cách mạng và khoa học, giúp Đảng xác định mục tiêu, phương hướng và phương pháp đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác - Lênin là kết quả của sự kế thừa tinh hoa tư tưởng nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cơ sở lý luận để giải thích và cải tạo thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng này bao gồm quan điểm toàn diện về con đường cách mạng Việt Nam, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về vai trò của nhân dân, đạo đức cách mạng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo thành nền tảng tư tưởng vững chắc, bảo đảm định hướng đúng đắn cho sự nghiệp cách mạng, góp phần vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vai trò của mạng xã hội trong củng cố nền tảng tư tưởng Đảng
Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, mạng xã hội không đơn thuần là công cụ giao tiếp, giải trí mà đã và đang trở thành một không gian quan trọng để truyền tải tư tưởng, định hướng dư luận, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội.
Với chỉ một thiết bị thông minh có kết nối internet, người dân ở mọi vùng miền, mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và tương tác trực tiếp với các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Đảng và Nhà nước mở rộng không gian đối thoại với nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội và lan tỏa các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn.
Không thể phủ nhận rằng, mạng xã hội đang hỗ trợ hiệu quả cho quá trình xây dựng chính quyền số, công dân số và xã hội số. Nhiều cơ quan Đảng, chính quyền đã chủ động hiện diện trên các nền tảng như Facebook, Zalo, YouTube... nhằm công khai hóa thông tin, phản hồi kịp thời phản ánh của người dân và chủ động định hướng dư luận. Những kênh tương tác này không chỉ xóa nhòa khoảng cách giữa chính quyền với quần chúng mà còn góp phần khôi phục và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh tình trạng tin giả, tin xấu ngày càng gia tăng. Điển hình như việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai trên mạng xã hội đã giúp cơ quan chức năng tiếp thu và điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
Mạng xã hội góp phần nâng cao nhận thức, tư duy phản biện của người dân trong việc nhận diện và đấu tranh với các thông tin sai trái, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Với khả năng cập nhật nhanh chóng, đa dạng nội dung, mạng xã hội trở thành kênh phổ biến kiến thức chính trị – xã hội, góp phần phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống, đồng thời được trang bị kỹ năng nhận diện tin giả, thông qua các trang mạng định hướng dư luận, giáo dục kỹ năng sống, giới thiệu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở quan trọng giúp củng cố "sức đề kháng" tư tưởng và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Là một phần không tách rời của văn hóa xã hội hiện đại, mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người dân kết nối, chia sẻ và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Thông qua các nền tảng số, tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể hiện sinh động và thực chất hơn. Các hoạt động xã hội như cứu trợ thiên tai, phản ánh bất cập, đề xuất chính sách hay lan tỏa các giá trị nhân văn diễn ra ngày càng rộng khắp. Từ đó, mạng xã hội trở thành cầu nối quan trọng giúp xây dựng khối đoàn kết, củng cố niềm tin vào Đảng, tạo nền tảng tư tưởng vững chắc trong lòng nhân dân.
Thực trạng về xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của họ là gây nhiễu loạn thông tin, tạo khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó kích động quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.
Một trong những phương thức phổ biến của các thế lực thù địch là lợi dụng internet và mạng xã hội, những công cụ truyền thông mạnh mẽ và dễ dàng tiếp cận trong đời sống hiện đại. Chúng lợi dụng sự phát triển của các nền tảng này để tuyên truyền các quan điểm sai lệch, xuyên tạc sự thật, phát tán thông tin xấu độc, bịa đặt, gây nhầm lẫn và loạn lạc trong công luận. Những thông tin này thường không rõ nguồn gốc, bị thổi phồng và bịa đặt nhằm mục đích phá hoại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Cụ thể, những đối tượng phản động như tổ chức Việt Tân đã và đang tích cực lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền các quan điểm cực đoan, kêu gọi lật đổ chế độ, đẩy mạnh các luận điệu chống Đảng và Nhà nước. Được thành lập từ năm 1982 tại Mỹ, Việt Tân hiện nay chủ yếu hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, và Instagram, phát tán những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về tình hình trong nước, nhằm kích động sự bất mãn và chia rẽ trong cộng đồng.
Mặc dù đã bị Chính phủ Việt Nam liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, nhưng các hoạt động của Việt Tân vẫn không ngừng tìm cách len lỏi vào các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là giới trẻ. Chúng tiếp tục sử dụng mạng xã hội như một công cụ lợi hại để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các quan điểm chính trị sai lệch, đe dọa sự ổn định của đất nước.
Các vụ việc xã hội, dù là lỗi cá nhân hay sự cố khách quan, đều bị một bộ phận lợi dụng để thổi phồng, quy chụp cho toàn bộ hệ thống chính trị. Họ dùng ngôn từ tiêu cực, cường điệu hóa vấn đề, thậm chí dựng chuyện nhằm tạo ra làn sóng phản đối trên mạng xã hội.
Ví dụ: Trong vụ việc ở xã Đồng Tâm (2020), các đối tượng đã cắt bỏ bối cảnh người dân tấn công lực lượng chức năng, thay vào đó chỉ lan truyền hình ảnh lực lượng công an sử dụng biện pháp cưỡng chế, từ đó thêu dệt nên câu chuyện "Đảng đàn áp nhân dân". Hay trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 năm 2021, khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, nhiều trang tin nước ngoài và blog phản động đã đăng bài như: “Chính quyền bỏ mặc dân chết đói”, trong khi thực tế chính quyền đang triển khai hàng triệu suất hỗ trợ, từ thiện, lương thực...
Một thủ đoạn khác là bám vào những cán bộ sai phạm để bôi nhọ cả hệ thống Đảng. Thay vì phân biệt rõ ràng giữa “con sâu làm rầu nồi canh” và tập thể Đảng viên trong sạch, họ cố tình gom cả vào một rọ, quy chụp sai lệch bản chất.
Ví dụ: Sau các vụ án như vụ Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son,… một số đối tượng đã viết bài với tiêu đề như: “Tham nhũng là bản chất của Đảng”, “Đảng chỉ biết lo cho mình, bỏ mặc dân” – đây là sự xuyên tạc nguy hiểm, bởi trên thực tế Đảng đã và đang rất kiên quyết xử lý sai phạm, không có vùng cấm.
Một trong những mối lo ngại lớn hiện nay là nhiều đối tượng xuyên tạc đang nhắm vào giới trẻ – đối tượng dễ bị tác động bởi những nội dung nhanh, ngắn, giật gân trên TikTok, YouTube Shorts,....
Ví dụ: Trên TikTok, có kênh giả danh là “kênh lịch sử Việt Nam” nhưng chuyên tung các video kiểu “Việt Nam từng là nước thuộc địa mãi mãi nếu không có Mỹ can thiệp” – cố tình xóa bỏ vai trò của Đảng, xuyên tạc lịch sử chống thực dân – điều này rất nguy hiểm nếu không được định hướng đúng.
Giải pháp về nâng cao nhận thức về tư tưởng của Đảng
Ở cấp độ nhà nước chính phủ
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các nền tảng số và mạng xã hội thì vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo thể chế, định hướng chiến lược và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong công tác tư tưởng – lý luận là vô cùng quan trọng. Chính phủ giữ vai trò then chốt trong việc thiết kế thể chế, tạo khung chính sách vĩ mô và bảo đảm an ninh thông tin quốc gia. Một trong những biện pháp quan trọng là hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến không gian mạng. Luật An ninh mạng (Quốc hội, 2018) ra đời nhằm đảm bảo rằng hoạt động trên Internet không đi ngược lại lợi ích dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho việc quản lý nội dung độc hại, chống lại các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng.
Song song với việc hoàn thiện pháp luật, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chính phủ, 2020), trong đó khẳng định rõ vai trò của công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống, bao gồm cả lĩnh vực tư tưởng, chính trị. Cần tiếp tục đầu tư xây dựng các nền tảng số dùng chung trong hệ thống chính trị – như các cổng thông tin học tập lý luận, thư viện tài liệu số về tư tưởng Hồ Chí Minh, và ứng dụng học tập Nghị quyết online – giúp cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể tiếp cận nội dung chính trị dễ dàng, nhanh chóng và linh hoạt.
Ngoài ra, việc triển khai các chiến dịch truyền thông chính trị hiện đại cũng là một hướng đi cần thiết. Chính phủ có thể đầu tư xây dựng các trung tâm truyền thông số cấp quốc gia với nhiệm vụ sản xuất nội dung đa phương tiện có giá trị tư tưởng, văn hóa. Những nội dung này không chỉ xuất hiện trên báo chí truyền thống, mà cần được “định dạng” phù hợp với mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook để lan tỏa hiệu quả. Đây là cách để chuyển tải các giá trị chính trị, tư tưởng của Đảng một cách sáng tạo và tiệm cận gần hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ (Ban Chấp hành Trung ương, 2021).
Ở cấp độ tổ chức Đảng – bộ ngành – địa phương
Các tổ chức Đảng, cơ quan chuyên trách như Ban Tuyên giáo Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy... cần đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc hiện thực hóa các chính sách từ Trung ương và chuyển hóa thành hoạt động cụ thể. Trước hết, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), việc tổ chức học nghị quyết trực tuyến, hệ thống hóa tài liệu điện tử, phát triển học liệu số là hướng đi phù hợp với xu thế công nghệ và nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức truyền đạt nội dung chính trị. Thay vì các bài giảng lý luận khô cứng, tổ chức Đảng các cấp nên tổ chức các hình thức tuyên truyền mang tính tương tác cao như talkshow, tọa đàm trực tuyến, cuộc thi video ngắn, minigame tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ giúp tăng sự tham gia của người dân mà còn nâng cao khả năng tiếp nhận thông tin chính trị trong môi trường truyền thông số (Phùng, 2020).
Về nguồn lực con người, việc đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên truyền chuyên nghiệp, có hiểu biết về công nghệ và truyền thông số là cấp thiết. Các cán bộ này không chỉ cần vững về lý luận mà còn phải có khả năng “nói ngôn ngữ của thời đại”, sử dụng thành thạo mạng xã hội, nắm bắt xu hướng truyền thông mới để truyền tải thông điệp của Đảng một cách linh hoạt và phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau.
Ở cấp độ cộng đồng – các tổ chức xã hội
Các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... có lợi thế trong việc tiếp cận trực tiếp với các tầng lớp nhân dân và tổ chức hoạt động tuyên truyền tư tưởng ở quy mô rộng. Chẳng hạn, Trung ương Đoàn đã xây dựng Chương trình hành động chuyển đổi số (2023–2027) nhằm hướng dẫn đoàn viên sử dụng công nghệ để lan tỏa nội dung tích cực, phát triển các chiến dịch truyền thông chính trị mang tính sáng tạo trên nền tảng số (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 2023).
Các tổ chức này có thể kết hợp với các chuyên gia, nghệ sĩ, người có ảnh hưởng (KOLs) để tạo nên những sản phẩm truyền thông có chất lượng cao, vừa lan tỏa được tư tưởng Đảng, vừa thu hút được sự quan tâm và tương tác mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Đây là hướng tiếp cận mềm mại, “phi chính thống” nhưng lại hiệu quả trong việc truyền đạt nội dung chính trị mà không gây phản cảm hay nhàm chán.
Đồng thời, việc khuyến khích thành lập các diễn đàn thảo luận chính trị – tư tưởng trực tuyến trong cộng đồng cũng giúp thúc đẩy văn hóa tranh luận lành mạnh, giúp mọi người có cơ hội tiếp cận thông tin từ nhiều chiều, tăng cường khả năng phản biện và giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch (UNESCO, 2021).
Ở cấp độ cá nhân
Trong thời kỳ công nghệ số phát triển mạnh mẽ, mỗi cá nhân không chỉ là người tiếp nhận mà còn là chủ thể lan tỏa tư tưởng trên không gian mạng. Đặc biệt, với đặc điểm thông tin lan truyền không biên giới, công tác nâng cao nhận thức tư tưởng của Đảng không thể triển khai đồng loạt, mà cần phân hóa theo từng nhóm độ tuổi, phù hợp với đặc điểm tâm lý, khả năng tiếp cận công nghệ và thói quen truyền thông. Việc xây dựng các giải pháp cụ thể, khả thi, sát thực tế đối với từng nhóm công dân số sẽ góp phần định hướng dư luận tích cực và nâng cao bản lĩnh chính trị trong môi trường truyền thông hiện đại.
Thứ nhất, với nhóm học sinh – sinh viên (15–24 tuổi) – đối tượng tiếp cận công nghệ nhanh, sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhưng còn hạn chế về nhận thức chính trị – cần có hình thức truyền thông tư tưởng phù hợp. Việc chuyển tải lý luận của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh qua các định dạng như video ngắn, podcast, infographic hay vlog trên TikTok, YouTube... sẽ giúp nội dung đến gần hơn với giới trẻ (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 2023). Đồng thời, cần tích hợp giáo dục chính trị vào kỹ năng sống số, tổ chức sân chơi, cuộc thi tư tưởng trực tuyến để tạo sự hứng thú và lan tỏa (UNESCO, 2021). Mấu chốt là làm cho tư tưởng trở thành phần sống động, gần gũi trong không gian mạng, thay vì chỉ nằm trên trang giấy.
Thứ hai, với nhóm người trẻ đang đi làm (25–35 tuổi) – có tri thức, khả năng tự học nhưng dễ bị phân tán bởi áp lực công việc – việc học lý luận chính trị cần linh hoạt và phù hợp với quỹ thời gian hạn hẹp. Các hình thức học tập nên gắn với công nghệ số như podcast “Chính trị cho người bận rộn”, bản tin 5 phút mỗi ngày, hay ứng dụng ôn tập nghị quyết qua quiz, flashcard (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2021). Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò “công dân truyền thông” – khuyến khích người trẻ sản xuất nội dung chính trị từ trải nghiệm thực tiễn, như video chia sẻ quá trình học nghị quyết, cảm nhận về chính sách. Đây là cách lan tỏa tư tưởng một cách chân thực, cảm xúc và dễ chạm tới lòng tin.
Thứ ba, với nhóm trung niên (36–55 tuổi) – lực lượng lao động nòng cốt, có nền tảng chính trị ổn định nhưng hạn chế về công nghệ – cần kết hợp giữa hỗ trợ kỹ năng số và truyền thông truyền thống. Việc tổ chức các lớp học kỹ năng số cơ bản, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, nhận diện tin giả sẽ giúp nhóm này tiếp cận nội dung chính trị chính thống hiệu quả hơn (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2023). Đồng thời, các ứng dụng chính trị số cần thiết kế đơn giản, dễ thao tác, có hướng dẫn bằng âm thanh – hình ảnh. Song song đó, tổ chức Đảng ở cơ sở nên duy trì sinh hoạt trực tiếp qua tọa đàm, chiếu phim tư liệu, thảo luận chính trị để tăng chiều sâu nhận thức (Ban Chấp hành Trung ương, 2021).
Đối với người cao tuổi (trên 55 tuổi) – những cá nhân trung thành với Đảng nhưng ít tiếp cận công nghệ – cần phát huy vai trò “truyền lửa tư tưởng” trong cộng đồng và gia đình. Các mô hình như câu lạc bộ “Chuyện kể về Đảng” hay “Tư tưởng Hồ Chí Minh qua ký ức” không chỉ tạo không gian chia sẻ ký ức cách mạng mà còn có thể được số hóa thành video, podcast để lan tỏa trên nền tảng số (Phùng, 2020). Mô hình “gia đình học chính trị” – nơi các thế hệ cùng thảo luận thời sự, sự kiện chính trị – cũng là phương thức hiệu quả để duy trì dòng chảy tư tưởng qua các thế hệ.
Tóm lại, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, mỗi cá nhân cần được xem là chủ thể trung tâm của công cuộc nâng cao nhận thức tư tưởng. Việc phân loại nhóm tuổi, kết hợp công nghệ và yếu tố con người trong từng hoàn cảnh cụ thể sẽ giúp tạo ra một môi trường giáo dục chính trị toàn diện, đa chiều và hiệu quả. Khi mỗi người dân, đặc biệt là mỗi đảng viên, trở thành một “người truyền lửa tư tưởng” trên không gian số, thì công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ được củng cố vững chắc từ gốc rễ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: muốn bảo vệ thành quả cách mạng, trước hết phải giữ vững trận địa tư tưởng. Mạng xã hội ngày nay chính là mặt trận tư tưởng mới – nơi cái đúng và cái sai song hành, nơi chân lý phải được bảo vệ bằng bản lĩnh, trí tuệ và niềm tin vững vàng. Trong thời đại bùng nổ công nghệ số mạnh mẽ, mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông phổ biến, tác động sâu rộng đến tư duy, nhận thức của quần chúng nhân dân, nó trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc lan tỏa thông tin, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, song hành với mặt tích cực ấy, mạng xã hội cũng đang trở thành nguồn cơn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nơi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, bóp méo thông tin, gieo rắc những luận điệu sai trái nhằm làm lung lay nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng. Muốn “chống” lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chúng ta phải biết “xây” – xây nền tảng lý luận vững chắc, xây niềm tin vào Đảng, vào con đường cách mạng mà Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn. Có thể thấy, nếu không được kiểm soát tốt, chính công cụ mạnh mẽ ấy sẽ là con dao hai lưỡi, từng bước tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hôm nay, không ai là người đứng ngoài cuộc. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tự trang bị cho mình nền tảng lý luận vững chắc, hiểu rõ và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin, để từ đó có đủ bản lĩnh, sự tỉnh táo trong chọn lọc, phân tích và tiếp nhận thông tin trên không gian mạng. Học tập lý luận chính trị không còn là nhiệm vụ riêng của đảng viên, mà là trách nhiệm chung của toàn dân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hãy là những người sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, trách nhiệm và bản lĩnh. Hãy biết lan tỏa cái đúng, phản bác cái sai, và trên hết, giữ trọn niềm tin vào lý tưởng cách mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn phòng Trung ương Đảng.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1–2). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương (2021). Hướng dẫn công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trẻ. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Ban Tuyên giáo Trung ương (2021). Hướng dẫn số 07-HD/BTGTW về công tác tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội.
5. Báo Quân đội nhân dân (2023, ngày 6 tháng 7). Bộ Thông tin và Truyền thông: Chặn, gỡ bỏ nhiều bài viết đăng thông tin sai sự thật, tài khoản giả mạo.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin – tuyên truyền giai đoạn 2023–2025. Hà Nội.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Sách trắng công nghệ số Việt Nam. Truy cập từ https://mic.gov.vn
8. Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
9. DataReportal (2023). Digital 2023: Vietnam. Truy cập từ https://datareportal.com/reports/digital-2023-vietnam
10. Dương Gia Phát (2025, tháng 3). Báo cáo Digital Việt Nam 2025 của We Are Social & Meltwater. Dương Gia Phát. https://duonggiaphat.vn/digital-viet-nam-2025/
11. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2024, ngày 29 tháng 5). Những con số về Digital tại Việt Nam 2024 mà bạn phải biết.
12. Phùng Hữu Phú (2020). Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới. Tạp chí Lý luận Chính trị, (6), 10–15.
13. Phùng Quang Thắng (2020). Người cao tuổi và vai trò truyền lửa tư tưởng chính trị trong gia đình hiện đại. Tạp chí Cộng sản, (944), 46–49.
14. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018). Luật An ninh mạng. Văn bản pháp luật.
15. Tạp chí Cộng sản (2018, tháng 11). Xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội.
16. Tiến Huỳnh Phương Tiến (2022). Công dân số – Sống, học tập và làm việc trong kỷ nguyên số. Nhà xuất bản Trẻ.
17. Tiến Nguyễn Văn (2022). Tư duy phản biện trong dạy học chính trị ở trường phổ thông hiện nay. Tạp chí Giáo dục, (511), 25–29.
18. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2023). Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023. Nhà xuất bản Thanh niên.
19. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2023). Chương trình hành động chuyển đổi số giai đoạn 2023–2027. Truy cập từ https://doanthanhnien.vn
20. UNESCO (2021). Digital literacy and media information competence: Curriculum for teachers. Truy cập từ https://unesdoc.unesco.org
21. UNESCO (2021). Global education monitoring report: Non-state actors in education – Who chooses? Who loses? Truy cập từ https://www.unesco.org