Hội nghị Công tác đào tạo năm 2018 của Trường ĐHKHXH&NV diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 8 vừa qua cho thấy quyết tâm và tinh thần quyết liệt đổi mới từ phía Nhà trường. Hội nghị đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong công tác đào tạo, từ vấn đề quy hoạch ngành/chuyên ngành, giải pháp cho tuyển sinh đại học (ĐH) và sau đại học (SĐH), xã hội hoá các CTĐT theo nhu cầu xã hội, thay đổi tư duy quản trị và quản lý hoạt động đào tạo, xác định lại mục tiêu đào tạo và đổi mới CTĐT cho đến các vấn đề về việc làm cho sinh viên, đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá... Đây không chỉ là những vấn đề đơn biệt của lĩnh vực đào tạo mà nhìn rộng ra còn gắn với việc định vị Nhà trường trong một tầm nhìn vào tương lai, cùng với việc lựa chọn mô hình phát triển nào và xác định chiến lược và mục tiêu phát triển ra sao trong thời gian tới.
Điều chỉnh quy hoạch ngành/chuyên ngành: chú trọng đáp ứng nhu cầu xã hội và mang tính liên ngành cao
Đề án quy hoạch ngành và chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2014-2020 của Trường ĐHKHXH&NV được ĐHQGHN phê duyệt vào tháng 3/2014. Mục tiêu của việc quy hoạch và định hướng đào tạo ở bậc ĐH và SĐH của Trường là đảm bảo được tính liên thông theo chiều ngang (giữa các CTĐT) và theo chiều dọc (giữa các bậc đào tạo) để hướng đến sự linh hoạt trong xây dựng và phát triển các CTĐT. Đến nay, sau 4 năm triển khai, Nhà trường đã hoàn thành xây dựng và đưa vào đào tạo nhiều ngành và chuyên ngành mới, nâng tổng số các ngành/chuyên ngành đào tạo của Trường lên thành 24 ngành cử nhân, 41 chuyên ngành thạc sỹ và 31 chuyên ngành tiến sỹ cùng với một số CTĐT chất lượng cao và CTĐT bằng 2.
Bàn về triết lý và định hướng phát triển của Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường) nhấn mạnh: kiên định mô hình phát triển của một trường đại học khoa học cơ bản theo định hướng nghiên cứu; các môn khoa học cơ bản đóng vai trò xương sống trong hệ thống các ngành đào tạo của Trường, chú trọng đến các CTĐT mang tính ứng dụng cao và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Đánh giá về kết quả đạt được trong công tác mở ngành đào tạo mới những năm qua, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường) cho rằng Nhà trường đã làm rất tốt công tác này khi thể hiện được vai trò tiên phong của một ĐH trọng điểm, hàng đầu trong mở một loạt các ngành mới quan trọng như: Nhân học, Việt Nam học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Đông Nam Á học, Tôn giáo học... Nhà trường đã cho ra đời các ngành mới đáp ứng xu thế liên ngành trong KHXH&NV và được xã hội yêu thích; cần khai thác tiềm năng để mở những ngành mới như: Quản lý văn hoá, Văn hoá học, Quản trị nhân lực...; đồng thời nâng cấp một số chuyên ngành thành các ngành đào tạo độc lập như: Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Ấn Độ học, Nhật Bản học (từ ngành Đông Phương học).
Bên cạnh đó, Nhà trường cần mạnh dạn điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu ở các ngành có nhu cầu xã hội lớn như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Đông phương học, Báo chí, Quan hệ công chúng, Quốc tế học, Công tác xã hội...; thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh ở các ngành cơ bản, khó tuyển và tập trung đào tạo nâng cao chất lượng.
Từ góc độ quản lý nhân sự, TS. Ngô Thị Kiều Oanh (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ) cho rằng quy hoạch ngành/chuyên ngành đào tạo gắn chặt với quy hoạch nhân sự vì mọi hoạt động đều gắn với con người, với năng lực chuyên môn cụ thể, với từng nhiệm vụ, công việc cụ thể. Bài toán đặt ra ở quy hoạch ngành/chuyên ngành là làm sao sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực khoa học đa dạng, theo hướng liên thông nguồn nhân lực giữa các đơn vị. Bản thân mỗi giảng viên phải chủ động phát triển và thích ứng chuyên môn để mở rộng các hướng đi cho mình. Cùng với đó, cơ cấu tổ chức của các đơn vị cũng cần được rà soát, sắp xếp theo hướng gọn nhẹ, tinh giản.
Đại diện Khoa Nhân học, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Trưởng khoa) đề xuất tham khảo xu hướng liên thông chuyên môn giữa các ngành/chuyên ngành ở các trường đại học trên thế giới; cần mạnh dạn dừng tuyển sinh và đào tạo những chuyên ngành xã hội không còn nhu cầu; đầu tư nhân – vật lực thu hút tuyển sinh và nâng cao chất đào tạo trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Ở các trường đại học của nước ngoài, để tăng tính liên thông, sinh viên cần lựa chọn học thêm các học phần có liên quan đến chuyên môn của mình từ các ngành học khác… để tiết kiệm chi phí học tập và tăng cơ hội việc làm cho người học.
Đổi mới tư duy quản trị đại học và quản lý đào tạo
Chủ đề đổi mới công tác quản lý đào tạo và rộng hơn là quản trị đại học nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị. Phân tích quá trình phát triển của các hệ sinh thái đại học thế giới, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường phụ trách công tác đào tạo và công tác sinh viên) cảnh báo tình trạng lạc hậu trong tư duy quản trị đại học tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, tư duy quản trị đại học thường không theo kịp nhu cầu của người học, của thị trường lao động và của xã hội. Ông khẳng định: chỉ trên cơ sở một tư duy quản trị đại học tương thích mới có thể định hướng đúng cho công tác đào tạo, từ hoạt động tuyển sinh đến cơ cấu ngành/chuyên ngành, công tác giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, tư vấn học tập cho người học...
Dẫn dụ về sự phát triển các hệ sinh thái đại học, PHT Hoàng Anh Tuấn cho rằng giáo dục đại học ở Việt Nam nói chung, Trường ĐHKHXH&NV nói riêng đã đi qua thời kỳ đại học tinh hoa và chuyển qua thời kỳ đại học đại chúng. Tuy nhiên, tư duy quản trị đại học dường như chưa thực sự bắt nhịp với “tinh thần đại chúng”, đưa đến những bất cập không chỉ trong công tác tổ chức đào tạo mà cả trong chiến lược định hướng ngành/chuyên ngành đào tạo và đầu tư phát triển Nhà trường.
Cũng đặc biệt quan tâm đến đổi mới trong công tác quản lý đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ: sắp tới đây, Nhà trường đón các tân sinh viên của thế hệ 10X, các thầy cô và bộ phận quản lý hỗ trợ đào tạo cần tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của thế hệ sinh viên này có gì khác biệt so với những lứa sinh viên trước... Chúng ta cần đứng vào vị trí của các em để tư duy và xây dựng các kế hoạch hỗ trợ phù hợp, tiếp tục đổi mới tương tác với sinh viên, đơn giản hoá các thủ tục hành chính trên tinh thần phục vụ...
Phát biểu về những bất cập trong công tác kiểm tra, đánh giá môn học, ThS. Đào Minh Quân (Phó trưởng phòng Đào tạo) cho rằng đang có độ “vênh” trong việc khi quy đổi điểm hệ số truyền thống sang hệ chữ theo đào tạo tín chỉ. Giảng viên dường như chưa nắm rõ sự quy đổi này dẫn đến lúng túng trong việc chấm điểm và phân loại sinh viên, dẫn đến tình trạng điểm cao ở một số bộ phận môn học.
Mối quan hệ giữa đào tạo và cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cũng được nhiều đại biểu quan tâm. TS. Phạm Huy Cường (Phó trưởng phòng CT&CTSV) phân tích yêu cầu hướng đến tăng sự thích nghi của sản phẩm đào tạo với yêu cầu của thị trường lao động. Liên kết giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng phải là một quan hệ không tách rời ngay từ giai đoạn đầu của quá trình đào tạo. Bên cạnh khối kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, các sinh viên phải được trang bị phương pháp luận, phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo và thích nghi - những kỹ năng giúp các em có thể đi xa hơn trong sự nghiệp và cuộc sống sau này.
Đào tạo Sau đại học: sòng phẳng chấp nhận cạnh tranh
Đối với một ĐH phát triển theo định hướng nghiên cứu, tỷ trọng cao giữa đào tạo SĐH và tổng quy mô đào tạo là một chỉ số quan trọng. Với sự ban hành Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế về Đào tạo tiến sỹ của ĐHQGHN (QĐ số 4555/QĐ-ĐHQGHN ngày 24/11/2017), tuyển sinh và đào tạo Tiến sỹ ở các cơ sở đào tạo trong cả nước đang đứng trước những thách thức rất lớn, dự báo sự sụt giảm nghiêm trọng trong chỉ tiêu hàng năm. Chẳng hạn, trong đợt 1 của năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ nhận được 55 hồ sơ đăng ký học tiến sỹ (trong đó Trường ĐHKHXH&NV có 20 hồ sơ). Không chỉ yêu cầu cao đối với điều kiện đầu vào về ngoại ngữ, chuẩn đầu ra của đào tạo tiến sỹ cũng thực sự thử thách đối với các nghiên cứu sinh: phải có bài báo khoa học quốc tế. Theo GS.TS Nguyễn Văn Khánh, để thu hút nguồn ứng viên học tiến sỹ, mấu chốt cần giải quyết là có giải pháp hỗ trợ nghiên cứu sinh phát triển năng lực công bố quốc tế trong bối cảnh công bố quốc tế ở lĩnh vực KHXHNV không hề dễ.
Từ góc độ quản lý đào tạo, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho rằng Quy chế mới về đào tạo tiến sỹ có thể là thử thách trước mắt cho các đơn vị đào tạo SĐH. Tuy nhiên, nó đồng thời tạo lập một chuẩn mực khoa học mới và một sân chơi bình đẳng cho các đơn vị giáo dục khẳng định năng lực chuyên môn của mình. Hiện nay, Nhà trường đã công bố và bắt đầu triển khai đề án hỗ trợ công bố quốc tế cho giảng viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường, sẵn sàng hỗ trợ từ 100 đến 250 triệu đồng cho mỗi đầu sách chuyên khảo quốc tế của các tập thể GVHD và NCS. Từ năm học 2018-2019, thực hiện Hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội về đào tạo tiền tiến sỹ, Nhà trường sẽ hỗ trợ các ứng viên tiềm năng phát triển ngoại ngữ, tăng cường phương pháp luận nghiên cứu khoa học, hoàn thiện đề cương nghiên cứu… trước khi chính thức dự tuyển vào các chương trình đào tạo tiến sỹ của Nhà trường.
“Sự biến đổi của xã hội nói chung, của môi trường giáo dục đại học nói riêng không chỉ đặt Nhà trường đối diện những thử thách, mà đồng thời đưa chúng ta đến trước những cơ hội thực sự để đổi mới và phát triển. Quy chế đào tạo Tiến sỹ mới tạo lập một sân chơi mới cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng trong giáo dục SĐH. Đây là lúc chúng ta cần chứng minh với cộng đồng vị thế chuyên môn của một đơn vị đào tạo khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước. Để có được điều đó, chúng ta cần nêu cao hơn nữa tinh thần đổi mới, tăng cường hợp tác, chia sẻ công việc, và cùng nhau nhìn về một hướng…!” - Phó Hiệu trrưởng Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại phiên Kết luận Hội nghị.
Theo USSH.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn