Giáo dục đại học hiện nay có nhiều sự biến chuyển mạnh mẽ, đòi hỏi các trường đại học phải đổi mới quan điểm về phát triển đào tạo liên/xuyên ngành cho người học. Với những nhu cầu mới phát sinh về các ngành nghề, việc đào tào nhân lực có kiến thức nền tảng vững chắc, có năng lực tự học, sáng tạo, có khả năng nghiên cứu, học tập, làm việc theo hướng liên ngành, xuyên ngành sẽ tạo cho nhân lực có tính năng động, sáng tạo dễ thích ứng với những yêu cầu thách thức mới của thị trường lao động, tránh lãng phí.
Thực hiện sứ mệnh cao cả là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang có những hoạt động đổi mới về chương trình đào tạo để sinh viên của trường có thể cập nhật được những kiến thức mới, những tư tưởng mới mà vẫn giữ được bản sắc tinh hoa và có đủ năng lực để hội nhập quốc tế.
Tích hợp kiến thức, tiết kiệm thời gian
Đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành được hiểu là tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành đào tạo, để qua đó trang bị cho người học các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp để người học dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Đào tạo liên/xuyên ngành đáp ứng tốt về mặt thời gian, khối kiến thức để tạo các chương trình đào tạo mới mà vẫn đảm bảo đủ kiến thức đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành.
Theo TS. Phạm Hoàng Giang, Trưởng khoa Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, đào tạo liên/ xuyên ngành đang là nhiệm vụ trọng tâm mà trường đặt ra.
Trong qui trình đào tạo hiện nay thì khó có thể tách rời các môn. “Ví dụ: học tập bộ môn triết học không mang cho các bạn nghề cụ thể. Tuy nhiên, nếu các bạn sinh viên tham gia tuyển dụng thì bất kì doanh nghiệp nào cũng yêu cầu về tư duy phản biện, khả năng tổ chức, khả năng khái quát vấn đề, những kỹ năng đó nằm trong phương pháp luận triết học.
Vì vậy, chúng tôi kết hợp phương pháp luận, góc nhìn triết học vào trong những ngành như quản trị nhân lực, quản trị kinh tế, quản trị văn hóa, … để đáp ứng nhu cầu thị trường” - TS. Phạm Hoàng Giang nhấn mạnh.
TS. Phạm Hoàng Giang (bên phải ) trả lời phỏng vấn tại phòng thu của VOV2
Bên cạnh Triết học, các ngành học của Đông phương học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được xác định và triển khai theo hướng tiếp cận đa ngành và liên ngành. Ở bậc đại học, Khoa Đông Phương ọc quản lý 4 ngành đào tạo: Đông Phương học, Đông Nam Á học, Nhật Bản học và Hàn Quốc học. Trong đó, sinh viên theo học ngành Đông Phương học cũng được phân chia theo 3 hướng ngành là Ấn Độ học, Trung Quốc học, Thái Lan học. TS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó trưởng khoa Đông Phương học cho biết: "Việc tập trung nghiên cứu về các quốc gia này đồng nghĩa với việc Khoa chúng tôi đào tạo những chuyên gia, những nhà nghiên cứu làm việc với những "con rồng" và "con hổ" của Châu Á - những quốc gia có sự phát triển thần kỳ, lan tỏa hình ảnh văn hóa và tri thức Đông Á ra khắp thế giới".
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Phó trưởng khoa Đông Phương học khẳng định việc tạo ra sự giao thoa của các ngành mang lại những hiệu quả lớn theo định hướng khu vực học, vừa có kiến thức chuyên sâu về đất nước học. Thông qua việc cung cấp góc nhìn đa chiều cho các bạn sinh viên trong cách tiếp tiếp cận với kiến thức từ lý thuyết đến ứng dụng thực tế sẽ tối ưu hóa việc học của sinh viên.
TS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó trưởng khoa Đông Phương học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN
Cơ chế bằng kép - cơ hội và điểm cộng cho sinh viên ĐHQG Hà Nội
Với thế mạnh là cơ sở đào tạo lớn có bề dày truyền thống và lực lượng giảng viên giỏi với đầy đủ các khối ngành chuyên môn thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, cơ chế "bằng kép" của ĐHQG Hà Nội là một cơ hội cho sinh viên có thể tận dụng tối đa thời gian để học tập rèn luyện để có được 2 tấm bằng cử nhân trong khoảng thời gian học ĐH vì ĐHQG Hà Nội thừa nhận những tín chỉ sinh viên đã có khi theo học chuyên ngành thứ nhất để sử dụng khi tham gia học chuyên ngành thứ 2. Đây cũng là điểm thu hút những thí sinh có ước mơ và năng lực học tập vượt trội. Thực tế đã có những sinh viên chỉ trong quãng thời gian chưa đầy 4 năm đã tốt nghiệp xuất sắc cả 2 ngành đào tạo.
Đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Trước đây, việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sáng tác và lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, chủ yếu do các trường đại học chuyên ngành (hệ thống trường nghệ thuật dân sự và quân đội) và trường đại học sư phạm chuyên ngành (trường sư phạm chuyên ngành nghệ thuật) đảm nhiệm. Hiện nay, trước nhu cầu của xã hội và việc phát triển các trường ĐH thành trường ĐH đa ngành, lĩnh vực này được các trường đại học, cả trong khối công lập và ngoài công lập triển khai xây dựng, tuyển sinh. Ðiển hình có thể kể đến công tác đào tạo về lĩnh vực văn học, điện ảnh, nghệ thuật… đang xây dựng theo hướng liên ngành tại Khoa Văn học, Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Xác định nhu cầu đổi mới về nguồn nhân lượng chất lượng cao, năm học 2024 này khoa Văn học sẽ triển khai ngành mới là Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng, dựa trên nền tảng của các ngành Văn học và Hán Nôm.
PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, khoa Văn học chia sẻ: "Trên thế giới và ở Việt Nam việc một sinh viên học những ngành khoa học cơ bản như ngành văn học mà có thể đi làm những công việc liên quan đến văn hóa nghệ thuật, truyền thông là một việc rất tự nhiên và cũng cũng là một xu thế. Khoa đang cố gắng để kết hợp, có những giải pháp, tạo ra những chương trình có tính liên ngành để các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp khoa văn học vẫn có thể là làm những công việc đa dạng và thích ứng một cách linh hoạt với những biến đổi sôi động của thị trường, nhu cầu văn hóa, nghệ thuật hiện nay.”
PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, khoa Văn học, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam và tiếng Việt, lý luận và phê bình văn học, sáng tác phê bình sân khấu - điện ảnh, biên kịch điện ảnh - truyền hình…
Theo định hướng đào tạo của khoa, cử nhân ngành Văn học có kiến thức chuyên ngành vừa rộng vừa sâu, có kỹ năng làm việc tốt, thích ứng tốt với công việc liên quan đến văn học, báo chí, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy, chính trị xã hội...
Đa dạng chương trình học bổng
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã có chính sách rất thiết thực khi từ năm 2022 đã cùng Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng quỹ học bổng dành cho 9 ngành khoa học cơ bản gồm Văn học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm. Nguồn kinh phí này do chính nhà trường tự cân đối, xây dựng.
Từ quỹ này, sinh viên sẽ có các suất học bổng trị giá 50 triệu đồng/năm/em. Trong đó, toàn bộ học phí sinh viên không phải đóng, mỗi tháng nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí và được hỗ trợ miễn giảm toàn bộ các chi phí khi lưu trú ở ký túc xá. Đặc biệt, các em sẽ có một giáo sư đồng hành, hỗ trợ trong học tập bắt đầu ngay từ năm thứ nhất.
Để khuyến khích và mở rộng cơ hội học tập của sinh viên, khoa Đông Phương học cũng đã phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, đem về nhiều suất học bổng trợ cấp, học bổng du học, các đợt thực tập ở nước ngoài hoặc tại doanh nghiệp nước ngoài cho sinh viên. Khoa cũng tích cực hợp tác với hàng chục trường Đại học trong khu vực như ĐH Bắc Kinh, ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Seoul, ĐH Ngoại ngữ Busan, Đại học Văn hóa truyền thống, Đại học Kwangwoon (Hàn Quốc) ĐH Chulalonkon (Thái Lan), ĐH Delhi, ĐH Calcutta (Ấn Độ)... để có các suất học bổng đi du học dài hạn, ngắn hạn, các bậc học từ trao dồi, công nhận tín chỉ, đến liên kết đào tạo đại học, hay các chương trình học bổng du học thạc sĩ, tiến sĩ.
Bên cạnh đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã ký kết thỏa thuận khung về hợp tác và tài trợ với Quỹ Đào Minh Quang (CHLB Đức) trong Dự án “Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam” và tiếp tục cấp Học bổng cho sinh viên trong trường. Qũy sẽ hình thành và mở một trung tâm về khởi nghiệp, định hướng sinh viên thông qua tiến hành xây dựng giáo trình, bài giảng, buổi tập huấn để thực tế hóa, hiện thực hóa những ý tưởng trong liên quan đến vấn đề khởi nghiệp.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội có lợi thế lớn trong việc thích ứng đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số bởi đây là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hài hòa giữa khối ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học ứng dụng… hàng đầu của đất nước. Với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, trường đã vàng đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho việc giữ gìn phát triển văn hóa, giáo dục cùng với các lĩnh vực khác đưa đất nước ta ngày một phát triển hội nhập.
Lễ ký kết thỏa thuận khung về hợp tác và tài trợ Dự án “Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam” giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN với Quỹ Đào Minh Quang (CHLB Đức)
Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg về việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Theo đó, ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo của giáo dục đại học.
Một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày nay là sự công nhận lẫn nhau về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, yêu cầu cấp thiết là xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, giúp các trường đại học nâng cao năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực xuyên biên giới.
VOV2: Xu thế giáo dục thời đại 4.0 - Đào tạo liên ngành, xuyên ngành
Theo VOV2