Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN và Đại học Chiang Mai, sinh viên Bộ môn Đông Nam Á học đã có cơ hội tham gia chương trình giao lưu học thuật và thực tập chuyên môn kéo dài 15 ngày tại Chiang Mai từ 3 đến 15 tháng 7 năm 2025.
Dưới sự hướng dẫn của ThS. Trần Thị Quỳnh Trang và ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 27 bạn sinh viên đã có cơ hội được tiếp cận thực tiễn văn hóa Thái Lan, từ đó được củng cố kiến thức học thuật và phát triển năng lực ngôn ngữ - một trong những điểm mạnh của sinh viên Khoa Đông phương.
Chương trình bắt đầu với buổi định hướng tại Khoa Nhân văn – Đại học Chiang Mai vào sáng 3/7. Tại đây, sinh viên được lắng nghe chia sẻ từ đại diện Đại học Chiang Mai và ban tổ chức về mục tiêu chương trình, văn hóa học thuật Thái Lan cũng như những lưu ý cần thiết để hòa nhập với môi trường mới.
Đại diện ban tổ chức chương trình và sinh viên bộ môn (Nguồn ảnh: Faculty of Humanities, Chiang Mai University)
Buổi chiều cùng ngày, hoạt động “Buddy Matching” diễn ra trong không khí sôi nổi và thân thiện. Các sinh viên Việt Nam – Thái Lan được ghép cặp, làm quen và cùng tham gia vào các hoạt động nhóm xuyên suốt chương trình.
Sinh viên hai trường chụp ảnh tập thể
Một trong những điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình thực tập tại Chiang Mai là chuỗi hoạt động tham quan các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu, giúp sinh viên tiếp cận một cách trực quan và sinh động với di sản phong phú của miền Bắc Thái Lan.
Ngay từ ngày thứ hai của chương trình, sinh viên đã được tham quan tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Chiang Mai. Tại đây, các bạn được giới thiệu về kiến trúc truyền thống, cấu trúc đô thị lịch sử, và đặc biệt là Đài tưởng niệm Ba Vị Vua – nơi ghi dấu vai trò của ba nhà lãnh đạo trong việc thành lập và phát triển thành phố Chiang Mai.
Sinh viên chụp ảnh trước Đài tưởng niệm Ba Vị Vua
Sinh viên lắng nghe về cấu trúc đô thị của tỉnh Chiang Mai
Tiếp nối hành trình, ngày 5/7, đoàn sinh viên đến tham quan chùa Phra That Doi Suthep – một trong những ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất Thái Lan, tọa lạc trên đỉnh núi cao nhìn xuống toàn cảnh Chiang Mai.
Hình ảnh sinh viên trước cổng chùa Phra That Doi Suthep
Trong khuôn khổ chương trình thực tập, sáng ngày 8/7, sinh viên đã có cơ hội đặc biệt tham quan và trải nghiệm thực hành tại Bảo tàng Nhà truyền thống Lán Na – một không gian lưu giữ đậm nét văn hóa bản địa miền Bắc Thái Lan ngay trong khuôn viên Đại học Chiang Mai. Tại đây, sinh viên không chỉ được giới thiệu về kiến trúc nhà cổ Lán Na mà còn được trực tiếp tham gia vào hoạt động làm bánh truyền thống Thái Lan và làm cờ Lán Na truyền thống dưới sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ bản xứ.
Sinh viên tham quan và trải nghiệm tại khu Nhà truyền thống Lán Na
Sinh viên tham gia làm bánh truyền thống
Sinh viên cùng những lá cờ Lán Na truyền thống do các bạn tự tay làm
Đặc biệt, vào ngày 11/7, sinh viên trở lại khu phố cổ để tham gia hoạt động làm nón hoa cúng Phật (กรวยดอกไม้) – hình thức lễ vật dâng Phật phổ biến tại Thái Lan. Đây là trải nghiệm kết hợp giữa thủ công mỹ nghệ truyền thống và nghi lễ tâm linh, giúp sinh viên không chỉ học về văn hóa qua sách vở mà còn được tự tay trải nghiệm văn hóa ấy.
Sinh viên chụp cùng nón hoa cúng Phật
Sinh viên Bộ môn Đông Nam Á học cũng đã có buổi tham quan đầy ấn tượng tại Princess Sirindhorn AstroPark — trung tâm thiên văn học và giáo dục khoa học đạt tiêu chuẩn khu vực, đặt tại Mae Rim, cách trung tâm Chiang Mai khoảng 2 km
Không chỉ tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa Thái Lan, sinh viên Bộ môn Đông Nam Á học còn trở thành "đại sứ ẩm thực Việt Nam" khi tham gia workshop ẩm thực Việt Nam tại Khoa Nhân văn, Đại học Chiang Mai. Với nguyên liệu quen thuộc và hương vị đậm đà, món nem rán được lựa chọn là “linh hồn” của buổi giao lưu. Từ khâu sơ chế nguyên liệu, trộn nhân, cuốn nem đến khi rán vàng giòn trên chảo, mọi công đoạn đều do chính tay các bạn sinh viên Việt Nam và Thái Lan cùng nhau thực hiện, trong không khí sôi nổi, vui vẻ và tràn ngập tiếng cười.
Các bạn sinh viên chuẩn bị nem rán
Các bạn sinh viên Thái Lan thưởng thức nem rán
Một trong những hoạt động học thuật quan trọng nhất trong chương trình thực tập là lớp học ngôn ngữ và văn hóa Thái, bao gồm các lớp học ngôn ngữ Thái Lan và lớp học múa truyền thống. Dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên đến từ Khoa Giáo dục, Đại học Chiang Mai – sinh viên đã được học các động tác cơ bản, cách đứng, cách vung tay, uốn ngón, bước chân của nhiều điệu múa Thái Lan truyền thống.
Sinh viên chụp ảnh cùng giảng viên
Chuyến đi thực tập 15 ngày tại Chiang Mai đã mang đến cho sinh viên Bộ môn Đông Nam Á học cơ hội trải nghiệm thực tế đa dạng, từ các lớp học ngôn ngữ và văn hóa, tham quan di tích lịch sử – văn hóa, đến các hoạt động giao lưu ẩm thực, nghệ thuật và khoa học.
Thông qua việc trực tiếp tham gia các hoạt động học tập và trao đổi văn hóa, sinh viên đã có thêm kiến thức thực tiễn, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, cũng như mở rộng góc nhìn về khu vực Đông Nam Á.
Chương trình kết thúc thành công với nhiều kết nối ý nghĩa giữa sinh viên, giảng viên và Khoa Nhân văn, Đại học Chiang Mai – mở ra tiền đề tốt đẹp cho các hoạt động hợp tác tiếp theo giữa hai trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn