(VnExpress) - Khép lại 5 năm đại học, Phạm Khánh Linh, 23 tuổi, ở Hà Nội đạt kết quả học tập xuất sắc 3.83/4, thạo ba ngoại ngữ Anh, Nhật và Pháp.
Những ngày giữa tháng 8, Linh liên tiếp nhận được lời chúc từ bạn bè, thầy cô khi thông tin Linh là thủ khoa ngành Đông phương học được đăng tải trên Fanpage của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Linh tự nhận có duyên với ngoại ngữ. Từ 6 tuổi, Linh được chị gái dạy kiến thức tiếng Anh cơ bản và hướng dẫn cách sử dụng từ điển Anh - Anh để tra cứu nghĩa và cách phát âm. Đến lớp 8, Linh mới bắt đầu học nghiêm túc để ôn thi chuyên Anh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Đỗ lớp chuyên Anh, nữ sinh lại thay đổi quyết định, nộp hồ sơ vào lớp chuyên Trung để thử sức với ngôn ngữ mới. Đến năm lớp 12, Linh giành giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung và được tuyển thẳng vào ngành Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Vốn dự định du học, Linh chỉ định học thời gian ngắn ở ngành Đông phương học. Nhưng khi theo học, Linh lại thấy ngành này phù hợp với sở thích, định hướng của bản thân nên quyết định hoàn thành bậc học cử nhân tại Việt Nam.
Học kỳ 2 năm nhất, Linh quyết định chọn ngành Nhật Bản học để học ngôn ngữ mới thay vì những ngôn ngữ đã biết và có khả năng tự học như tiếng Anh và tiếng Trung. Hơn nữa, Linh đam mê với phim hoạt hình của Studio Ghibli và văn học Nhật Bản hiện đại.
Với thành tích học tập xuất sắc và khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, hết năm hai đại học, Linh được tiến cử tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên năm học 2017-2018 giữa Đại học Tokyo và Đại học Quốc gia Hà Nội do quỹ Sato Yo (Nhật Bản) tài trợ toàn phần.
Những ngày đầu ở Nhật Bản là ký ức khó quên với nữ sinh Hà Nội. Linh không hiểu mọi người xung quanh đang nói gì và cũng không có khả năng trả lời nếu như ai đó đặt câu hỏi. Có lần vào cửa hàng tiện ích mua đồ, khi ra thanh toán, nhân viên bán hàng hỏi: "Quý khách có cần túi nylon không?", Linh không hiểu nên nhân viên đã phải nhắc đi nhắc lại tới 5 lần.
Ở lớp học, tuy không khó khăn với những môn dạy bằng tiếng Anh, nhưng với môn dạy bằng tiếng Nhật, Linh không thể theo kịp. Suốt buổi học kéo dài vài tiếng, Linh chỉ hiểu mỗi câu chào với hỏi thăm sức khỏe giữa cô trò, trong khi tuần nào cũng có bài kiểm tra định kỳ.
Ba tháng stress vì học không hiểu, Linh quyết định lên gặp giảng viên phụ trách xin chuyển sang lớp khác dễ hơn. Tuy nhiên, cô động viên Linh tiếp tục cố gắng thêm nửa tháng nữa xem tình hình thế nào.
Nghĩ mình không thể bỏ cuộc, Linh học mọi lúc mọi nơi. Mỗi ngày đi bộ gần 2 tiếng từ ký túc xá đến ga tàu và từ ga về nhà Linh đều ghi nhớ lại bài cũ, trên tàu cũng tranh thủ học, tối ở nhà tra trước từ vựng, đọc trước tài liệu để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo, hôm nào trống tiết thì "cắm trại" ở thư viện. Dần dần Linh bắt kịp được các bạn và đạt A+ ở môn học dự định chuyển lớp trước đó.
Cuối tháng 2/2018 (thời điểm sang Nhật Bản được 5 tháng), Linh giành nhất cuộc thi cuộc thi hùng biện tiếng Nhật dành cho du học sinh do Quỹ SISF tổ chức tại Nhật Bản. Nữ sinh chinh phục hội đồng ban giám khảo bằng câu chuyện của chính mình. Linh kể về những trải nghiệm, cảm xúc và suy nghĩ khi sinh ra và lớn lên là con gái và luôn chịu áp lực phải khớp với các tiêu chuẩn truyền thống, phải dịu dàng, nhẹ nhàng, đảm đang, khéo léo, phải mảnh mai xinh đẹp, rồi đến độ tuổi nhất định phải lấy chồng sinh con...
Vì không khớp lắm với những tiêu chuẩn ấy nên không ít lần Linh phải nghe lời bình luận như: "Học ít thôi không đầu to mắt cận rồi ế chồng", "Giảm cân rồi tập tành trang điểm đi không thì chẳng thằng nào yêu đâu". Có những lúc Linh cảm thấy tự ti, nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng trôi qua. Giờ Linh tự hào về bản thân, tự thấy không phải ép mình thay đổi thành ai đó.
Sau khi đã chinh phục được tiếng Anh, tiếng Nhật, Linh tiếp tục học thêm tiếng Pháp, vì yêu thích văn học và nghệ thuật của Pháp. Mục tiêu đặt ra là đọc được cuốn Hoàng tử bé bản gốc bằng tiếng Pháp.
Chia sẻ về cách học ngoại ngữ, Linh cho biết đã thử nghiệm nhiều phương pháp xem cái gì phù hợp với mình nhất. Cuối cùng Linh rút ra muốn học không chán thì phải tìm được động lực, lý do mình học. Vì yêu thích các loại hình văn học nghệ thuật như phim hoạt hình Ghibli của Nhật Bản hay muốn đọc bản gốc truyện của Pháp, Linh đã học thêm hai ngoại ngữ này.
Cũng vì đam mê tiếng văn hóa Nhật, Linh đã làm khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về thẩm mỹ và đặc điểm của nghệ thuật múa Buhto, đạt 9/10 điểm. Kết thúc 4 năm đại học ở Việt Nam và một năm ở Nhật với kết quả 3.83/4, cô gái Hà Nội đã sưu tập bộ chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 111/120, tiếng nhật JLPT N1 và tiếng Pháp DELF B2.
Thầy Võ Minh Vũ, Phó chủ nhiệm khoa Đông Phương học, nhận xét Linh có năng lực tự học, tư duy phản biện tốt, có sự dấn thân trong học tập và nghiên cứu. Linh xem xét những vấn đề, câu hỏi giáo viên đưa ra từ nhiều góc độ để đạt được cách lý giải hợp lý. Với khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt, Linh có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu để làm giàu thêm kiến thức.
Linh đang dự định nộp hồ sơ du học thạc sĩ một ngành về văn hóa - nghệ thuật. Để đạt được mục tiêu, dù đã tốt nghiệp, phần lớn thời gian biểu trong ngày của Linh vẫn dành cho việc học tập và nghiên cứu.
Tác giả: Nhật Tân
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn