Cuộc thi Nghiên cứu về Ấn Độ do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát động và tổ chức đã khép lại thành công, ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng các bạn sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học. Sau quá trình tham gia, nghiên cứu sôi nổi, ba tác giả xuất sắc nhất cuộc thi là Vi Thị Thùy, Vũ Lê Thu Huyền và Nguyễn Khánh Vy – sinh viên K66 Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học đã nhận được giải thưởng đầy ý nghĩa từ Đại sứ quán Ấn Độ. Đó chính là một chuyến du lịch vô cùng thú vị tới Thánh Địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Đây chính là phần thưởng vô cùng giá trị đối với sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học khi mở ra hành trình khám phá ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa, lịch sử và ẩm thực đặc sắc của tỉnh Quảng Nam.
Ba sinh viên Vũ Lê Thu Huyền, Vi Thị Thùy và Nguyễn Khánh Vy (ảnh từ trái sang) tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn.
Đi tìm vẻ đẹp kỳ diệu của Thánh Địa Mỹ Sơn – di sản văn hóa thế giới
Chuyến đi bắt đầu vào ngày 20/12/2024, khi đoàn sinh viên đặt chân đến Thánh Địa Mỹ Sơn – Di sản văn hóa thế giới, phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam. Nơi đây được xem như bảo tàng sống về nền văn minh Chăm Pa, với những đền tháp cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13.
Thé đã sẵn sàng – Cùng trải nghiệm “Thung lũng Thần linh và Nghệ thuật”
Trong không gian huyền bí, tráng lệ của di tích, ba bạn sinh viên không khỏi ngỡ ngàng trước kiến trúc tinh xảo và từng đường nét điêu khắc tỉ mỉ. Dường như mỗi viên gạch đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử đầy cảm hứng, gợi nhớ đến các bài học về Ấn Độ và văn hóa Chăm Pa. Cảm giác được “lắng nghe tiếng thì thầm của thời gian” đã khơi dậy trong các bạn đam mê học tập và trách nhiệm bảo tồn những giá trị di sản.
Di tích Thánh địa Mỹ Sơn khu B C D |
Di tích Thánh địa Mỹ Sơn khu E F
|
“Đập hộp mù” - Khám phá sắc màu phố cổ Hội An
Sau khi tham quan Mỹ Sơn, nhóm sinh viên tiếp tục hành trình đến với phố cổ Hội An (21/12/2024). Nơi đây, những ngôi nhà cổ, những chiếc đèn lồng rực rỡ và không khí nhộn nhịp của chợ đêm đã tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo, xen lẫn nét cổ kính trong kiến trúc và sự tấp nập của dòng người. Hình ảnh phố xưa như nhắc nhở sinh viên về giá trị trường tồn của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Chùa Cầu Hội An – Linh hồn phố cổ
Phố cổ Hội An
Không chỉ dừng lại ở việc tham quan, các bạn còn được thưởng thức những món ăn đặc sản như cao lầu, mì Quảng và bánh mì Hội An - mỗi món ăn mang một hương vị riêng nhưng đều chứa đựng tình yêu và tâm huyết mà người dân nơi đây muốn gửi gắm đến du khách gần xa.
Các bạn cùng thưởng thức đặc sản Mỳ quảng Hội An
Hành trình ý nghĩa: Khơi dậy niềm tự hào di sản dân tộc
Chuyến đi đến Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của các bạn trong cuộc thi mà còn thắp lên ngọn lửa tình yêu và niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Đến với Mỹ Sơn, những đền tháp cổ kính và huyền bí đã giúp ba bạn sinh viên cảm nhận rõ hơn sự vĩ đại của văn hóa Chăm pa và sự hiện diện của văn hóa Ấn Độ trong lối kiến trúc xây dựng Thánh địa. Và với phố cổ Hội An, vẻ đẹp hoài cổ, ẩm thực đa dạng và tinh thần hiếu khách như một lời nhắc nhở về giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Hi vọng rằng trong tương lai, Đại sứ quán Ấn độ cùng bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học sẽ tổ chức nhiều chương trình giúp các bạn sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học được trải nghiệm thực tế về đất nước và con người Ấn Độ.