Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Đông Nam Á học

Thứ sáu - 15/02/2019 01:52
1. Yêu cầu về chất lượng luận án
Luận án là công trình nghiên cứu khoa học độc lập, có hệ thống, chuyên sâu mang tính lí luận và thực tiễn, có những đóng góp mới đối với khoa học và/hoặc thực tiễn, phù hợp với chuyên ngành Đông Nam Á học.
Đề tài luận án tiến sĩ ngành Đông phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học là một vấn đề khoa học cơ bản, khoa học liên ngành, vấn đề nghiên cứu so sánh, tư vấn chính sách, tư vấn quản lý cấp vĩ mô đang đặt ra với ngành Đông phương học,chuyên ngành Đông Nam Á học hoặc thực tiễn xã hội, cần giải quyết một cách sáng tạo, có lý luận, có tính ứng dụng cao, đòi hỏi những tri thức hoặc giải pháp mới có giá trị đột phá trong việc kiến nghị chính sách cho Chính phủ, cho địa phương hoặc cho doanh nghiệp, đề xuất mô hình phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xây dựng củng cố khung lý luận, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu trong luận án phải là sản phẩm nghiên cứu của chính tác giả thu được chủ yếu trong thời gian học và chưa được công bố trong các công trình nghiên cứu nào của người khác. Nếu sử dụng kết quả, tài liệu của người khác thì phải trích dẫn tường minh. Nếu luận án là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của tập thể trong đó tác giả có đóng góp phần chính thì phải xuất trình các văn bản thể hiện sự nhất trí của các thành viên trong tập thể cho phép tác giả sử dụng kết quả chung để viết luận án.
Luận án có khối lượng không quá 300 trang A4, không kể phụ lục, trong đó có cam đoan của nghiên cứu sinh về nội dung luận án, ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh. Bản tóm tắt luận án phản ánh trung thực kết cấu, bố cục và nội dung của luận án, phải ghi đầy đủ toàn văn kết luận của luận án. Bản thông tin luận án khoảng 3 đến 5 trang (300 đến 500 chữ) bằng tiếng Việt và tiếng Anh trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản, những nội dung mới và những kết quả nghiên cứu và đóng góp quan trọng nhất của luận án. 
Luận án phát hiện và giải quyết những vấn đề mới, đóng góp mới cho khoa học và thực tiễn, đã công bố tối thiểu (trong thời gian làm nghiên cứu sinh) 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó tối thiểu có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có uy tín, xuất bản bằng tiếng nước ngoài có phản biện, có mã số ISBN; hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài.

2. Yêu cầu về kiến thức chuyên môn
Người học sau khi học xong phải hiểu biết một cách có hệ thống các kiến thức lí luận và thực tiễn chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành Đông Nam Á học, có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo, vận dụng được các giá trị cốt lõi trong học thuật, phát triển được các nguyên lí, lí thuyết của chuyên ngành nghiên cứu, có khả năng tổng hợp, phân tích và đánh giá các vấn đề về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị của khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực. Cụ thể như sau:
- Người học phải hiểu biết một cách sâu sắc thế giới quan, phương pháp luận triết học Mác-Lênin và vận dụng vào quá trình nghiên cứu của mình.
- Người học hiểu và vận dụng được các phương pháp luận, cách tiếp cận đa ngành và liên ngành, hệ thống lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu cơ bản về khu vực học nói chung và Đông Nam Á học nói riêng trong các hoạt động khoa học.
- Có hiểu biết rộng, sâu sắc, toàn diện và hệ thống về tri thức nền tảng của ngành Đông phương học; Có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Đông Nam Á học để phân tích, đánh giá về các vấn đề lịch sử và hiện đại, các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và các vấn đề khác của khu vực Đông Nam Á, của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
- Vận dụng một cách sáng tạo và độc lập những tri thức nêu trên trong nghiên cứu cũng như trong các hoạt động thực tiễn liên quan đến Đông Nam Á. 
- Nghiên cứu sinh tích lũy và cập nhật được kiến thức chuyên sâu thông qua các chuyên đề của tiến sĩ Đông Nam Á học, nâng cao năng lực tự nghiên cứu, phân tích và đánh giá được các vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu, các vấn đề như con đường phát triển kinh tế - xã hội của các nước Đông Nam Á, về tổ chức ASEAN và các quan hệ quốc tế, về văn hoá - xã hội của các cộng đồng tộc người, về những vấn đề liên quan đến sự xung đột dân tộc và tôn giáo của khu vực, …

3. Yêu cầu về năng lực nghiên cứu
- Trên cơ sở khối kiến thức chuyên đề chuyên sâu, nghiên cứu sinh được trang bị thêm cơ sở lý luận, phương pháp và kỹ năng cần thiết để có thể độc lập thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hoặc nghiên cứu liên ngành, phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình. 
- Có năng lực chuyên gia về các vấn đề cơ bản của chuyên ngành, có khả năng tổ chức và triển khai các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy về khu vực học, Đông Nam Á học cho các chương trình đào tạo đại học và sau đại học cho các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu.
- Có năng lực lãnh đạo, quản lí, triển khai các hoạt động chuyên môn trong các cơ quan nghiên cứu, tổ chức đoàn thể, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội khác có nhu cầu sử dụng tri thức liên quan đến khu vực Đông Nam Á.
- Có năng lực tham mưu, tư vấn trong các cơ quan hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Có năng lực tổ chức, tham gia tổ chức và thực hiện các công việc ứng dụng phục vụ hoạch định và triển khai các chính sách xã hội như nghiên cứu chính sách, đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường, nghiên cứu điều tra xã hội học, nghiên cứu chuyên gia về phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, có khả năng đảm nhiệm các công việc liên quan đến khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực. 
- Có năng lực để tham gia vào các chương trình nghiên cứu và trao đổi học thuật với các đồng nghiệp trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, làm việc tại các cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, các liên doanh và doanh nghiệp tư nhân.

4. Yêu cầu về kĩ năng 
4.1. Kĩ năng nghề nghiệp
- Có kĩ năng phát hiện, phân tích các vấn đề phức tạp và đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề, sáng tạo tri thức mới trong lĩnh vực chuyên môn, có khả năng thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong hoạt động chuyên môn, có năng lực tổng hợp trí tuệ tập thể, dẫn dắt chuyên môn để xử lí các vấn đề quy mô khu vực và quốc tế. 
- Có kĩ năng ngoại ngữ, có thể hiểu được các báo cáo phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, bao gồm cả việc trao đổi học thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Có thể giao tiếp, trao đổi học thuật bằng tiếng Anh ở mức độ trôi chảy, thành thạo với người bản ngữ; có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, phân tích quan điểm về sự lựa chọn các phương án khác nhau. 
- Có năng lực phân tích, đánh giá và tổng hợp các vấn đề khoa học cơ bản và thực tiễn xã hội liên quan đến chuyên môn nghiên cứu; được trang bị các kĩ năng về tư duy phản biện khoa học và phản biện các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển có liên quan đến chuyên môn; có kĩ năng nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu liên quan đến thu thập tài liệu liên quan đến khu vực học nói chung, Đông Nam Á học nói riêng, bao gồm các kĩ thuật quan sát tham gia, phỏng vấn sâu, phỏng vấn bán cấu trúc, điều tra bằng bảng hỏi, đánh giá nhanh, thảo luận nhóm.
- Hiểu và sử dụng được các kĩ thuật cơ bản và chuyên sâu liên quan đến xử lí, tổng hợp, phân tích và diễn giải tài liệu khu vực học nói chung, Đông Nam Á học nói riêng.
- Có các kĩ năng viết tổng quan khoa học; kĩ năng thuyết trình và thuyết minh các vấn đề khoa học, công bố kết quả nghiên cứu. 
- Có khả năng thiết kế xây dựng, quản lí và triển khai một cách độc lập và sáng tạo các đề tài/dự án nghiên cứu lí thuyết và nghiên cứu ứng dụng liên quan đến các vấn đề cụ thể của khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, có khả năng phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp cho công tác hoạch định và thực hiện chính sách.
4.2. Kĩ năng bổ trợ
- Kĩ năng cá nhân: Có các kĩ năng làm việc độc lập và sáng tạo, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng lãnh đạo, các kĩ năng giao tiếp, các kĩ năng trình bày sáng tạo, thuyết trình, thuyết minh và trao đổi công việc chuyên môn; có năng lực làm chủ các phần mềm vi tính thông dụng và một số phần mềm chuyên dụng cho ngành học, sử dụng thành thạo internet và email, biết khai thác có hiệu quả các nguồn tài liệu trên internet và sử dụng được các thiết bị văn phòng phổ thông khác phục vụ các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực khu vực học nói chung, Đông Nam Á học nói riêng.
- Kĩ năng làm việc nhóm: có khả năng tổ chức, chủ trì, xây dựng đề tài, thực hiện nghiên cứu và các hoạt động chuyên môn khác theo nhóm. 
- Kĩ năng sử dụng ngoại ngữ: sử dụng tốt ngoại ngữ theo quy định hiện hành để khai thác tài liệu tiếng nước ngoài, công bố các công trình và trình bày kết quả nghiên cứu. 

5. Yêu cầu về phẩm chất
- Trách nhiệm công dân: có bản lĩnh chính trị vững vàng; có thể nhận thức và ứng xử theo các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức; biết cảm thông, chia sẻ và hoà đồng với mọi người; năng động, tự chủ, chính trực, có ý thức phản biện, có ý thức phục vụ cộng đồng,...
- Trách nhiệm, đạo đức: có phẩm chất đạo đức xã hội như có lòng yêu nước, có ý thức phục vụ nhân dân, có trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng, có ý thức chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật và chính sách của nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ,  giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu những yếu tố tiến bộ,  tích cực của văn hoá thế giới; luôn hướng tới các hoạt động cải thiện xã hội, tích cực đấu tranh cho công bằng và dân chủ.
- Ý thức và tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ: Có tư chất của một chuyên gia trong lĩnh vực khu vực học nói chung, Đông Nam Á học nói riêng; biết tôn trọng, kế thừa, tiếp thu thành tựu nghiên cứu khoa học của những người đi trước, có thái độ trung thực trong khoa học; có tinh thần hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy; có niềm say mê khoa học, tác phong làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo; có ý thức cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tinh thần độc lập trong công việc và hợp tác với đồng nghiệp, có ý thức giữ gìn và phát huy lợi ích cũng như bản sắc dân tộc trong quan hệ với các đối tác nước ngoài.

6. Mức tự chủ và trách nhiệm:
Sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ ngành Đông phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học phải là người có mức tự chủ và trách nhiệm như sau:
- Chủ động trong nghiên cứu, sáng tạo ra tri thức mới về khu vực học, Đông Nam Á học.
- Đưa ra các kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn, các ý tưởng, giải pháp đối với các vấn đề của khu vực, đất nước trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh cộng đồng ASEAN và thế giới có nhiều thay đổi và chuyển biến.  
- Có khả năng thích ứng, tự định hướng, chủ trì và dẫn dắt nhóm, tập thể triển khai nghiên cứu các vấn đề về Đông Nam Á học, có khả năng xây dựng kế hoạch, tổ chức và triển khai nghiên cứu, giảng dạy hay thuyết trình về chuyên môn.
- Có thể quyết đoán, đưa ra những quyết định mang tính chuyên gia, có giá trị đối với việc tư vấn chính sách, đánh giá các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường của Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực. Có thể đưa ra kiến nghị, tư vấn cho chính phủ, cho địa phương hoặc cho doanh nghiệp của Việt Nam, đề xuất mô hình phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
- Tổ chức quản lý và có trách nhiệm trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển tri thức về Đông Nam Á học, đưa ra được các kinh nghiệm và sáng tạo ra được các ý tưởng mới, quá trình mới...

7. Vị trí làm việc của nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ ngành Đông phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học công tác trong các trong các cơ quan và tổ chức như sau:
- Làm nghiên cứu và chuyên gia trong các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á như Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới….
- Làm giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học và cao đẳng có giảng dạy về Đông Nam Á.
- Làm chuyên viên tại Bộ Ngoại giao hoặc tại các vụ, cục hợp tác quốc tế của các bộ (như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, ...),
- Làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các trung tâm, dự án phát triển.
- Làm việc tại các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức kinh tế…

8. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài để phát huy những kiến thức chuyên môn đã được trang bị, cung cấp trong quá trình học.
- Triển khai, ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu thực tế.

9. Các chương trình, tài liệu của các cơ sở đào tạo tiến sĩ có uy tín của quốc tế mà đơn vị đào tạo tham khảo
Chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Đông Nam Á học, Đại học Quốc gia Singapore.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây