Khoa Đông phương học

https://fos.ussh.vnu.edu.vn


[Tóm tắt báo cáo] Chính sách tỏa quốc của Nhật Bản ở thời kỳ Mạc phủ Tokugawa dưới góc nhìn ngôn thuyết

[Tóm tắt báo cáo] Chính sách tỏa quốc của Nhật Bản ở thời kỳ Mạc phủ Tokugawa dưới góc nhìn ngôn thuyết
Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải Ba cấp trường năm học 2021-2022
Sinh viên thực hiện: 
Nguyễn Thị Huyền Chang
Lớp: QH-2019-X-NB
Khoa: Đông phương học
GVHD: TS. Phạm Lê Huy
Tóm tắt: 
Bài viết tập trung tìm hiểu, tổng hợp, phân tích và lý giải các ngôn thuyết về chính sách Tỏa quốc của Nhật Bản trong thời kỳ Mạc phủ Tokugawa. Trong đó, người viết tập trung vào các ngôn thuyết về chính sách này tại Châu  Âu, Nhật Bản và Việt Nam.
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài là phương pháp đọc và tổng hợp tài liệu, phương pháp so sánh và phương pháp logic. Nguồn tài liệu lịch sử về chính sách Tỏa quốc được tham khảo từ các công trình nghiên cứu bằng tiếng Nhật thuộc các thư viện học thuật tại các trường Đại học của Nhật Bản. Bên cạnh đó, bài viết cũng tham khảo các nguồn tài liệu bằng tiếng Việt là các công trình in trên tạp chí Nam Phong, các luận án, luận văn Lịch sử cũng như các cuốn sách viết về lịch sử Nhật Bản của các tác giả trong nước.
Chính sách Tỏa quốc (Sakoku - 鎖国) - tạm dịch là "khóa đất nước lại" là một chính sách đặc trưng của thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, được ban hành và thực hiện ở Nhật Bản từ năm 1640 đến năm 1853. Nó đã tạo ra những tác động, những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội cũng như sự chuyển biến kinh tế trong thời kỳ Mạc phủ Tokugawa và nhận được rất nhiều sự quan tâm, nghiên cứu, đánh giá ở cả trong nước và trên thế giới. Trước hết là những ngôn thuyết về chính sách Tỏa quốc tại Châu Âu với hai quan điểm tiêu biểu của Engelbert Kaempfer và Christian Wilhelm Dohm. Xuất phát từ nhiều yếu tố mà quan điểm của cả hai gần như trái ngược nhau, khi E. Kaempfer cho rằng chính sách Tỏa quốc là hợp lý và có thể hiểu được nguyên nhân mà Nhật Bản thực thi chính sách này thì C.Dohm lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng đây là một chính sách tai hại và điều này nhận được sự đồng tình khá tích cực tại Châu Âu. Tại Nhật Bản, thuật ngữ lần "Tỏa quốc" đầu tiên xuất hiện cùng với tác phẩm "Tỏa quốc luận" của Shizuki Tadao. Và cùng với quá trình chấp nhận khái niệm "Tỏa quốc" là quá trình "Tỏa quốc luận" được chấp nhận tại Nhật Bản bởi các học giả cận đại. Còn tại Việt Nam, chính sách Tỏa quốc cũng như thời kỳ Tokugawa luôn được nhắc đến khá nhiều trong các công trình nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản kể từ đầu thế kỷ XX đến nay. Nếu trước những năm 90 của thế kỷ XX, các bài viết chủ yếu trình bày một cách sơ lược và khái quát về chính sách Tỏa quốc thi từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử Nhật Bản, trong đó, chính sách Tỏa quốc được miêu tả, phân tích và đánh giá chi tiết hơn, sâu hơn với những lý giải hết sức mới mẻ.
Có thể nói, những ngôn thuyết xoay quanh chính sách Tỏa quốc của Nhật Bản dưới thời kỳ Mạc phủ Tokugawa rất đa dạng và phong phú. Việc tổng hợp và phân tích những ngôn thuyết này sẽ góp phần vào việc hướng tới xây dựng một nhận thức đầy đủ, khách quan, một cái nhìn tổng quát hơn về vai trò và ý nghĩa chính sách Tỏa quốc trong suốt tiến trình nghiên cứu lịch sử Nhật Bản từ trước đến nay. 

Từ khóa: chính sách Tỏa quốc, ngôn thuyết, thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, Nhật Bản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây