Khoa Đông phương học

https://fos.ussh.vnu.edu.vn


Quan hệ Mỹ - Triều sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội: nhìn về tương lai?

Quan hệ Mỹ - Triều sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội: nhìn về tương lai?

Quan hệ Mỹ - Triều sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội: nhìn về tương lai?

Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã không diễn ra như kế hoạch. Hôm qua, hai lãnh đạo kết thúc hội nghị mà không thống nhất được bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào.

Về vấn đề này, giới phân tích cho rằng Washington đã quá vội vàng xúc tiến hội nghị thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên. 

Theo CNN, chuyên gia Akira Kawasaki của Ủy ban Quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân bình luận: "Chúng ta cần một kế hoạch thực sự xuất phát từ cộng đồng quốc tế và các hiệp định như Hiệp định Cấm Phổ biến Vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể tham gia vào ngay ngày mai và bắt đầu quá trình giải giáp một cách hợp pháp". 

Van Jackson, tác giả cuốn sách "On the Brink: Trump, Kim and the Threat of Nuclear War" (Trên bờ vực: Trump, Kim và Mối đe dọa Chiến tranh Hạt nhân) cho rằng Washington đáng lẽ nên đợi thêm một thời gian nữa trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội. Theo Jackson, chính quyền của ông Trump nên kiên nhẫn cho đến khi đặc phái viên về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên Steve Biegun đạt được một số tiến bộ trên bàn đàm phán.

"Đó là lý do tại sao anh không thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo tách rời khỏi các cuộc đàm phán thực sự. Kể cả khi hội nghị thành công theo định nghĩa của chính quyền Trump", Jackson nhận định "nó vẫn thất bại trong việc giải quyết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đây là vấn đề đã không được đem ra thảo luận trong mấy tháng vừa qua". 

Theo chuyên gia này, sau khi Washington và Bình Nhưỡng không đạt được một tuyên bố chung ở Hà Nội và Tổng thống Trump nói "không vội vàng" trong việc thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, chính quyền của ông Trump "dường như đã không đạt được nổi những thỏa thuận rất thấp". 

Phóng viên David Nakamura của Washington Post bình luận "khó hình dung về hội nghị thượng đỉnh lần ba bởi mọi người mất lòng tin vào quá trình" đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cho hay ông và Chủ tịch Kim Jong-un chưa cam kết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Joseph Yun, cựu quan chức ngoại giao của Mỹ về Triều Tiên, cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội kết thúc đột ngột vì "thiếu sự chuẩn bị".

"Tôi đã từng tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh. Thường các hội nghị này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực làm việc ở nhiều cấp và thực tế là một thỏa thuận đạt được chính là thành quả đã hoạch định sẵn. Lần này chúng ta thấy rất ít sự chuẩn bị và tôi đã lo lắng về điều đó", ông Yun nói. "Chúng ta nói rằng hội nghị ở Singapore không đủ chất nhưng ít nhất đấy là hội nghị đặt nền móng. Do vậy, sau Singapore, chúng ta đã có gì đó để cầm nắm".

Chuyên gia này cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá nhiều và hạ thấp các điều kiện với Triều Tiên nhưng "họ còn không thể thông qua các điều kiện đó". 

Theo ông Yun, nội bộ chính trị lục đục ở Washington cũng có thể là một nguyên nhân khiến Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên không đạt được thỏa thuận nào. Trước đó, một số bình luận cho rằng đảng Dân chủ sắp lịch cho cựu luật sư của ông Trump là Cohen ra điều trần vào đúng dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã gây bất lợi cho ông chủ Nhà Trắng. 

Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Quốc gia Australia bình luận rằng đã lường trước kết quả này. "Người Mỹ chưa sẵn sàng chấm dứt chiến tranh và Triều Tiên chưa sẵn sàng đầu hàng. Một vực sâu khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế cay đắng".

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho biết Triều Tiên "muốn các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ hoàn toàn" và đây là bước nhượng bộ mà Mỹ không thể đáp ứng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo lúc nửa đêm hôm qua tại Hà Nội, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho lại nói Triều Tiên chỉ muốn gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt nhưng Mỹ vẫn không chấp nhận. Ông đồng thời khẳng định đây là đề xuất tốt nhất mà Triều Tiên có thể đưa ra và sẽ không thay đổi lập trường nếu Mỹ đề xuất đàm phán lần nữa trong tương lai.

Theo Vox, sự đối lập giữa thông tin từ hai phía khiến nhiều người thắc mắc vậy điều gì thực sự đã diễn ra và quan hệ Mỹ - Triều Tiên sẽ đi đến đâu?

David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, hiện công tác tại Trung tâm Stimson, viện chiến lược có trụ sở ở Washington, cho rằng nguyên nhân dẫn tới thất bại chủ yếu bắt nguồn từ kỳ vọng quá lớn mà mỗi bên đặt vào đối phương.

"Về phía Mỹ, có thể vì chúng ta đòi hỏi quá nhiều. Về phía Triều Tiên, có thể vì Mỹ không sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhiều như người Triều Tiên kỳ vọng", ông nhận định.

Về nước mà không có thỏa thuận nào trong tay, Tổng thống Trump sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những tiếng nói chỉ trích từ các thành viên đảng Dân chủ, chuyên gia đánh giá. Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng có thể sẽ phản đối ông. Tổng thống Mỹ giờ đây phải giải thích trước công chúng, trước quốc hội bởi hội nghị khép lại dường như không giống như viễn cảnh mà ông xây dựng lên suốt nhiều tuần qua. Mặt khác, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trump.

Với Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn có thể gây dựng được uy tín lớn trên trường quốc tế với những gì ông thể hiện trong hai ngày ở Hà Nội. Theo David Kim, dù không thể mang về một thỏa thuận với Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn sẽ được nhìn nhận "như một lãnh đạo đáng tin cậy và khôn khéo".

"Kim Jong-un một lần nữa ra về trên thế thắng. Lãnh đạo Triều Tiên đã bước lên sân khấu bên cạnh Tổng thống Mỹ, người luôn dành cho ông những lời ấm áp và khen ngợi sự lãnh đạo của ông", Tebecca Hersman, chuyên gia về hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.

Trước câu hỏi liên quan đến triển vọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba, David Kim cho hay ông không tin hội nghị sẽ sớm diễn ra nhưng vẫn có những động lực ngoại giao từ cả hai phía.

"Tôi nghĩ chúng ta có đủ ý chí chính trị và có những động lực chính trị từ cả đôi bên để giữ vững bầu không khí ngoại giao hiện nay", ông nói.

Trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã dành nhiều lời khen tặng cho nhau và cho thấy cái nhìn lạc quan về tương lai quan hệ hai nước. Sau hội nghị, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ - Triều có quay trở lại thời kỳ đối đầu với những lời đe dọa "trút lửa giận" lên nhau hay không?

Theo David Kim, dựa trên những tuyên bố từ cả hai bên, khả năng này ít có cơ hội xảy ra nhưng ông vẫn giữ thái độ "lạc quan thận trọng".

Tại cuộc họp báo hôm qua, Ngoại trưởng Triều Tiên một lần nữa khẳng định Bình Nhưỡng sẽ "ngừng vĩnh viễn" các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa "nhằm giảm bớt quan ngại từ phía Mỹ".

Tổng thống Trump trong khi đó cho hay ông vẫn sẽ tiếp tục ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Triều Tiên lâu nay vẫn coi những cuộc tập trận Mỹ - Hàn là động thái khiêu khích, gây căng thẳng.

Điều quan trọng là "cả hai lãnh đạo đều đã cam kết", David Kim nhấn mạnh.

Theo Christine Ahn, giám đốc điều hành tổ chức Phụ nữ vượt DMZ đấu tranh vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, việc hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không có thỏa thuận là "cơ hội lớn bị bỏ lỡ", tuy nhiên, bà lưu ý rằng "70 năm đối đầu khó lòng được hóa giải chỉ sau một đêm".

"Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim rõ ràng đã có những bước tiến triển trong nỗ lực xây dựng lòng tin", bà Ahn cho hay. "Chúng tôi tin rằng nền móng đã được tạo nên".

ĐPH Tổng hợp 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây