Khoa Đông phương học

https://fos.ussh.vnu.edu.vn


Tính quy luật trong tiến trình mở đường của Trung Quốc: Trường hợp "nhất đới - nhất lộ"

Tính quy luật trong tiến trình mở đường của Trung Quốc: Trường hợp

Tính quy luật trong tiến trình mở đường của Trung Quốc: Trường hợp "nhất đới - nhất lộ"

Hệ thống giao thông con đường tơ lụa cổ xưa, hệ thống Đại Vận Hà (sông đào), vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI thuộc loại hình phi tự nhiên, do ý chí của con người kiến tạo. 
Điểm đặc biệt đáng chú ý là, cả con đường tơ lụa cổ xưa, hệ thống Đại Vận Hà, vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên Biển thế kỷ XXI đều gắn liền với tên tuổi của những đại hoàng đế Trung Hoa và gắn liền với một ý đồ chính trị cụ thể, hay nói cách khác, hệ thống này được chính trị hóa, và có thể định danh là những con đường chính trị. Hệ thống đường tơ lụa cổ xưa gắn liền với ý đồ tiêu diệt Hung Nô của Hán Vũ Đế, buộc khu vực phía Tây, Tây Vực về chầu Thiên Triều. Hệ thống Đại Vận Hà mà Tùy Dạng Đế khai thông, kết nối và thông tuyến thành công với mục đích kiến tạo sự liên thông Bắc - Nam để bốn phía về chầu Lạc Dương – kinh đô nhà Tùy. Còn vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và hệ thống đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI gắn liền với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc ngày nay: Tập Cận Bình .
Ý đồ chính trị của Hán Vũ Đế mở đường sang Tây Vực để tiêu diệt Hung Nô, buộc Tây Vực và quanh khu vực này về chầu Thiên Triều Hán. Tùy Dạng Đế khai thông hệ thống Đại Vận Hà, là cơ sở đế thống nhất Bắc - Nam đế chế Trung Hoa dài lâu, bốn phương chầu về kinh đô. Vậy ngày nay, với việc tái cấu trúc và tái mở rộng đường tơ lụa trên bộ, mở rộng đường tơ lụa trên Biển ra toàn thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình muốn hướng đến đâu và nhằm mục đích gì?
Rõ ràng, hệ thống giao thông phi tự nhiên đã được chính trị hóa triệt để. Vì vậy, về mặt phương pháp luận, vành đai kinh tế đường tơ lụa trên bộ và hệ thống đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI cần đặt trong trường nghiên cứu và mối quan hệ với hệ thống đường tơ lụa cổ xưa và hệ thống Đại Vận Hà. Tức là, con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, trước hết, cần ưu tiên nghiên cứu từ góc nhìn chính trị học.
Nếu như Hán Vũ Đế mở ra con đường tơ lụa thông sang phía Tây với tâm thức và khát vọng là Tây Vực về chầu Thiên Triều, Thiên Triều ban phát tơ lụa ra bên ngoài, Tùy Dạng Đế thiết lập và khai thông hệ thống Đại Vận Hà để cai trị và mở đường về chầu từ bốn phía, thì ngày nay, với hệ thống tơ lụa trên bộ và đặc biệt mở ra vô tận trên biển, phải chăng, mục đích của đế chế không chỉ dừng lại ở phía Tây hay trong nội địa Trung Hoa, trong đất liền nữa mà còn muốn tiến ra phía Đông, Biển Đông và vùng biển xa hơn nữa để toàn thế giới về chầu Thiên Triều!

Tác giả: TS. Trịnh Văn Định

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây