Khoa Đông phương học

https://fos.ussh.vnu.edu.vn


Lý luận nền văn minh Đông Á (sách dịch)

Lý luận nền văn minh Đông Á (sách dịch)

Lý luận nền văn minh Đông Á (sách dịch)

Trong thời gian qua đã có không ít nhiều ấn phẩm của Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt và đã xuất bản nhưng đa số chỉ giới hạn ở tác phẩm văn học. Còn những tài liệu nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu sâu thì rất khan hiếm nếu không muốn nói là hầu như không có.

Lí luận nền văn minh Đông Á bao gồm 5 chương, liên kết lịch sử và văn minh theo dòng lịch sử từ cổ đại, trung đại, cận đại rồi đưa những nội dung ấy vào những đàm luận đang được quan tâm. Với tư cách là một học giả Đông Á, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, Cho Dong-il còn đưa ra những việc mà mình và thế hệ kế cận cần phải làm để công nhận, kế thừa và phát triển nền văn minh Đông Á.

“Đông Á” là chủ đề không chỉ khu vực Đông Á mà cả thế giới đều đang tập trung hướng tới. Trong bối cảnh thời cuộc như vậy, Lí luận nền văn minh Đông Á có thể được coi là tài liệu vô cùng quý. Trước đây người ta vẫn cho rằng Đông Á thì chỉ nói đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng Cho Dong-il đã định nghĩa về khu vực Đông Á trong tài liệu này là đương nhiên phải bao gồm cả Việt Nam. Điều này được khẳng định rất rõ và thể hiện cụ thể ở những nội dung trong tương quan so sánh giữa các nước trong Đông Á. Mặc dù như tác giả tự nhận thì tài liệu về Việt Nam với ông còn hạn chế nhưng ông đã nỗ lực nghiên cứu sâu để có những nhận định xác đáng và khách quan về Việt Nam, cố gắng để không quá lệch về lượng khi so sánh với các nước Đông Á khác. Ngay tiêu đề của cuốn sách cũng được viết bằng cả 4 thứ tiếng. Vì thế, tài liệu này rất ấn tượng và lại càng quý với người Việt Nam. 

Lí luận nền văn minh Đông Á hiện đã được dịch sang tiếng Nhật. Lần này, cuốn sách được dịch sang tiếng Việt bởi TS. Hà Minh Thành (Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV) và xuất bản ở Việt Nam với sự tài trợ của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Cuốn sách hi vọng sẽ trở thành tài liệu cần thiết, không chỉ với giới học giả Hàn Quốc và cả giới học giả các nước. Được ứng dụng dành cho nghiên cứu hơn là đại chúng, Lí luận nền văn minh Đông Á sẽ là tài liệu hữu ích cho những ai quan tâm. 

GS. Cho Dong-il

Cho Dong-il sinh năm 1939 tại Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul chuyên ngành văn học Pháp và văn học quốc ngữ, ông tiếp tục theo học và nhận học vị tiến sĩ văn học. Cho Dong-il từng làm thơ, viết tiểu thuyết nhưng ông được biết đến nhiều hơn với tư cách nhà nghiên cứu. Ông từng làm giáo sư giảng dạy tại các trường: Đại học Gyemyeong, Đại học Youngnam, Viện nghiên cứu Hàn Quốc học trung ương. Từ năm 1994, ông là giáo sư tại Khoa Quốc ngữ quốc văn thuộc Đại học quốc gia Seoul.

Những công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông thời kỳ đầu về văn học truyền miệng như Nghiên cứu dân ca tự sự (1970), Mĩ học của kịch mặt nạ Hàn Quốc (1975), Ý nghĩa và chức năng của truyền thuyết nhân vật (1979), Lịch sử và nguyên lí của múa mặt nạ (1979), Thế giới của văn học truyền miệng (1980)… Bên cạnh đó, ông nỗ lực xây dựng một cách có hệ thống nghiên cứu văn học quốc ngữ theo từng thể loại qua các công trình như: Lí luận của tiểu thuyết Hàn Quốc (1978),  Thị luận lịch sử tư tưởng văn học Hàn Quốc (1978), Phương pháp nghiên cứu văn học (1980). Những nghiên cứu về thơ của ông khá nhiều như: Truyền thống và luật cách của thơ ca Hàn Quốc (1982), Truyền thống dân ca Hàn Quốc và luật cách của thơ ca(1996), Ý thức lịch sử của thơ ca Hàn Quốc (1993).

Ngoài ra không thể không kể đến Thống sử văn học Hàn Quốc trọn bộ 6 cuốn viết từ năm 1982-1988, đã đề cập đến dòng chảy tổng thể của lịch sử văn học quốc ngữ theo từng thời đại, chú ý đến tình huống đặc thù có xung đột hay đứt đoạn diễn ra. Văn học ngôn ngữ dân tộc và văn học ngôn ngữ chung (1999) lấy việc giải thích về văn học trung đại làm bài toán căn bản đã liên kết lịch sử văn minh và lịch sử văn học, Tính đồng chất và tính dị chất của nền văn minh (1999) đã chủ trương nghiên cứu văn học Hàn Quốc phải mở rộng bình diện mang tính học vấn từ “nhập khẩu”, vượt qua “độc lập” để tiến tới sáng tạo. Trong Lịch sử triết học và lịch sử văn học là một hay hai (2000), ông đã chỉ ra mối quan hệ giữa triết học và văn học vừa là một vừa là hai.

Cho Dong-il đã dành nhiều nỗ lực để phát triển phương pháp luận nghiên cứu mang tính sáng tạo, có thể nói ông đã cho thấy những hoạt động bền vững để xác lập lí luận mới của những hiểu biết về lịch sử văn học như thể hệ thống hóa văn học tự sự bao gồm văn học truyền miệng, liên kết phương pháp nghiên cứu mang tính độc đáp của văn học quốc ngữ với văn học của các quốc gia khác và các lĩnh vực khác. Thông qua những hoạt động nghiêu cứu như vậy, Cho Dong-il đã vượt qua những nghiên cứu bị hạn định trong văn học quốc ngữ hoặc thể loại riêng, chú ý đến lịch sử văn học mới vượt qua thể loại, vượt qua không gian và thời gian.   

 

TS. Hà Minh Thành

TS. Hà Minh Thành sinh năm 1978, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hàn Quốc học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (6/2000), tốt nghiệp Thạc sĩ cùng chuyên ngành tại Trường Đại học quốc gia Seoul (8/2005), tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Văn học cận hiện đại Hàn Quốc tại Trường Đại học Inha (2/2014).

TS. Hà Minh Thành hiện là giảng viên tại Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, giảng dạy và nghiên cứu về tiếng Hàn và văn học Hàn Quốc.

TS. Hà Minh Thành đã dịch các cuốn sách: Thời gian ăn tôm hùm (Hội Nhà văn xuất bản năm 2005), Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc (2006), Xã hội hiện đại Hàn Quốc (dịch chung, 2007), Tuyển tập truyện ngắn Hwang Sun-won (2009),Tuyển tập truyện ngắn Lee-sang (2011).

Nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Ly-luan-nen-van-minh-Dong-A-sach-dich-1-12320.aspx

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây