Khoa Đông phương học

https://fos.ussh.vnu.edu.vn


Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh Covid-19: từ lí thuyết đến thực tiễn

Sáng nay (21/3/2022), trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và Trường ĐH Nữ Showa (Nhật Bản), Trường ĐHKHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh Covid-19”.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh Covid-19: từ lí thuyết đến thực tiễn
GS.TS Hoàng Anh Tuấn thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường đã đón tiếp và tặng quà lưu niệm ngài Yamada Takio (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam)
anh tuan

Hội thảo có sự tham dự của ngài Yamada Takio (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam), ngài Ando Toshiki (Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam), GS. Bando Mariko (Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nữ Showa), GS Kohara Natsuko (Hiệu trưởng trường ĐH Nữ Showa), GS. Tomoda Hiromichi (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Quốc tế, trường ĐH Nữ Showa), GS Fukuakawa Yuichi (Chỉ tịch Hiệp hội Bảo tồn khu phố cổ Nhật Bản), bà Trịnh Thục Thanh Thủy (Trưởng ban xúc tiến sự tham gia của người dâ, Văn phòng Jica Việt Nam) cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn của Nhật Bản tham gia trình bày các tham luận, thảo luận qua hình thức trực tuyến.
anh dai bieu tham du online

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ông Trần Đình Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa). Về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng), PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng) và các thầy cô, cán bộ từ các khoa, bộ môn trong trường: Đông phương học, Quốc tế học, Du lịch học, Lịch sử tham gia trình bày tham luận và thảo luận. Bên cạnh đó, hội thảo cũng có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lí văn hóa đến từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Quản lí Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Ban Quản lí di tích Làng cổ Đường Lâm, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh,…
img 7678

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ chiến lược, có lịch sử rất lâu dài, trong đó hợp tác về văn hóa được lãnh đạo hai quốc gia hết sức coi trọng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong những năm qua. Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã có những tác động rất lớn, đặt ra thử thách khắc nghiệt đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có lĩnh vực Bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Di sản văn hóa nếu không được bảo tồn đúng cách có thể sẽ hoàn toàn biến mất. Chính vì vậy, chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ của Đại sứ quán Nhật Bản, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Trường ĐH Nữ Showa và cá nhân nhiều giáo sư, nhà khoa học của Nhật Bản đối với Trường ĐHKHXH&NV để tổ chức hội thảo ý nghĩa này. Hội thảo được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều giải pháp để giúp nâng cao hiệu quả của công tác Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh mới”.
img 7688

Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cũng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ lịch sử hết sức lâu dài giữa Việt Nam và Nhật Bản: Ngay từ thế kỉ XVI-XVII, các Châu ấn thuyền của Nhật Bản đã đến buôn bán và xây dựng nhiều khu phố ở Việt Nam. Năm 2023, cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; hội thảo này là một trong những sự kiện rất quan trọng hướng tới lễ kỉ niệm đó và đồng thời cũng là dịp giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia của hai quốc gia về một vấn đề rất cấp bách: bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thích ứng với tình hình mới sau COVID-19. Ngài Yamada Takio khẳng định: “Mối quan hệ hợp tác về văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản “ẩn chứa một tiềm năng vô hạn” và đang đứng trước những cơ hội mang tính nhảy vọt. Những hội thảo như thế này là một trong những ví dụ tiêu biểu, góp phần phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản trong hiện tại và tương lai”.


Sau phiên khai mạc, Hội thảo đã làm việc theo các tiểu ban:
Tiểu ban 1: Vấn đề bảo tồn di sản thời Covid-19 nhìn từ Dự án Bảo tồn tu bổ Chùa Cầu Hội An
Tiểu ban 2: Sáng tạo khu vực hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Tiểu ban 3: Hiện trạng di sản văn hóa trong bối cảnh dịch Covid-19

Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Việt Nam và Nhật Bản trình bày 8 báo cáo nêu phản ánh hiện trạng của các di sản văn hóa tiêu biểu ở Hội An, Đường Lâm, Nghệ An, Tiền Giang (về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, trang phục, lễ hội, ẩm thực, đời sống văn hóa của người dân,…); đề cập đến những bài học, kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ từ các ví dụ bảo tồn di sản của Nhật Bản. Nội dung các báo cáo chỉ ra: các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong hai năm qua do tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, một vấn đề cấp bách đặt ra là cần phải có những giải pháp sáng tạo nhất để thích ứng với tình hình mới. Những bài học thực tế từ quá trình trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản cụ thể nêu trong các báo cáo sẽ là những gợi ý quý báu cho công tác bảo tồn di sản ở hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.
Hội thảo cũng nhận được sự tham gia chia sẻ, thảo luận rất sôi nổi từ các đại biểu tham gia, cả trực tiếp tại hội trường và trực tuyến qua phần mềm zoom. Thông qua đó, nhiều quan điểm về bản tồn được làm rõ, nhiều kinh nghiệm, giải pháp rất cụ thể được chia sẻ để một mặt bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di sản, mặt khác phát huy tốt nhất giá trị về nhiều mặt của các di sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của quốc gia.
img 7716

Trong lời phát biểu bế mạc Hội thảo: Ngài Ando Toshiki đánh giá cao những kết quả nghiên cứu trong các báo cáo tại hội thảo, các giải pháp đưa ra là rất ý nghĩa, tính khả thi cao, đề cập đến rất nhiều mặt: phối hợp của các chuyên gia, hỗ trợ của nhiều tổ chức, các cơ quan, nhưng quan trọng nhất là sự tham gia của chính các cộng đồng địa phương. Dư địa hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản là rất lớn trong vấn đề hợp tác để bảo tồn các di sản thế giới vô cùng giá trị ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh covid chúng ta có thể đưa ra những hoạt động phù hợp. Hội thảo này chính là minh chứng tiêu biểu, dù dịch bệnh chúng ta vẫn có thể có những hình thức hợp tác phù hợp: ví dụ như tổ chức thành công một hội thảo rất ý nghĩa bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
img 7720 1

PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng) kết luận: qua các báo cáo và thảo luận sôi nổi qua ba phiên tại Hội thảo chúng ta thấy rằng, trước hết hiểu biết đầy đủ nhất về di sản, sau đó cần đưa ra những giải pháp toàn diện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng để bảo tồn tốt nhất và truyền lại cho thế hệ sau giá trị của những di sản văn hóa đó; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững; vừa bảo tồn di sản nhưng cũng phải phát huy giá trị của di sản vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Chúng tôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác hiệu quả từ các nhà khoa học, chuyên gia từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu của Nhật Bản.
Một số hình ảnh từ hội thảo: toàn cảnh hội thảo, các đại biểu tham gia báo cáo và thảo luận trực tiếp tại hội trường và các đại biểu tham dự trực tuyến qua phần mềm Zoom.
img 7692

 

Nguồn tin: ussh.vnu.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây